Tai nạn giao thông: Những nỗi đau còn đó…

Thứ Sáu, 13/11/2015, 09:28
Những cặp mắt thất thần nhìn vô định. Người nằm bất động, người băng chân, người bó tay… đau âm ỉ  với những vết thương. Ở góc phòng, giọt nước mắt của người bố, người mẹ, người anh, người chị cứ lặng lẽ rơi, với cái gạt tay vội vã. Họ, từ người thân đến những người nằm trên giường bệnh, nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông, rồi đây sẽ mãi mãi không thể quên cái giây phút định mệnh ấy…


Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, 30 tuổi, nằm ở giường bệnh G1, khoa  Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Việt Đức là một trong những nạn nhân của vụ tai nạn kinh hoàng  xảy ra lúc 23h ngày 8-11 tại cầu vượt Chùa Bộc – Thái Hà (Hà Nội). Vụ tai nạn khiến chị bị đa chấn thương, chồng chị tử vong tại chỗ. Sau khi được các bác sĩ tận tình cấp cứu, chị đã qua cơn nguy kịch, song đến nay vẫn chưa thể tỉnh táo. Lặng lẽ đứng ở góc giường nhìn đứa con gái trên giường bệnh, đôi mắt bác Nguyễn Văn Tám trĩu nặng.

Bác chia sẻ: Sau khi tai nạn xảy ra, dù đã được cấp cứu kịp thời, nhưng đến nay Hiền còn rất yếu. Trong cơn mê sảng, nó vẫn thất thanh gọi tên chồng. Tuy nhiên, vì lo cho sức khỏe, tính mạng và sợ chị Hiền bị sốc nặng nên gia đình vẫn chưa thông báo việc chồng chị là anh Hoàng đã tử vong. “Chẳng biết mấy hôm nữa sẽ phải nói với nó thế nào về tin dữ ấy. Sau này nó sẽ sống ra sao…”,  vừa nhìn về đứa con gái, người đàn ông gầy gò vừa lấy tay áo chấm vội khóe mắt.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cùng lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đến thăm và chia sẻ với nạn nhân Nguyễn Thị Thu Hiền.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Danh Quỳnh, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: chị Hiền nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, bị rách gối bên phải, trước gối, mặt trước chân trái, biến dạng khớp tay, gãy xương đốt chân, gãy đốt bàn chân phải… Hiện tại nạn nhân vẫn đang hoảng loạn nên nếu thông báo việc người thân mất nạn nhân sẽ bị sốc, nguy hại đến sức khỏe. Bởi vậy các bác sĩ vẫn tích cực theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những gì là hiện đại nhất như máy thở, máy trợ tim, thuốc cần thiết…đều được ưu tiên cho bệnh nhân này, để giúp bệnh nhân có thể tự thở mà không cần máy, trong vòng vài ngày tới.

Chưa thấm nỗi đau tinh thần, nằm gọn trong vòng tay mẹ, em Nguyễn Minh Hằng 18 tháng tuổi (Lào Cai) liên tục khóc nấc với cái chân trái đang băng bó, không thể cử động. Chị Phong Lan nựng con mà ngấn nước mắt cứ chực trào. Vì một chút sơ sẩy của cô trông trẻ, em vô tình bước xuống đường và bị ôtô đi ngang quệt phải. Dù người  lái xe đã cố tình đánh lái sang hướng khác, nhưng cú va chạm vẫn khiến em bất tỉnh. Em vào viện trong tình trạng gãy đùi, cẳng chân trái, gãy hở đốt bàn chân 1-5. “Dù sức khỏe của con đang tiến triển tốt, nhưng chưa thể ra viện ngay. Và sau này, di chứng để lại trên bàn chân trái là điều khó tránh”, mẹ của bé chia sẻ.

Cùng tầng bệnh khoa chấn thương chỉnh hình, em Thái Thanh Trúc, 8 tuổi, bệnh nhân ở giường 115, lại nhập viện trong tình trạng hoại tử cẳng chân, gãy xương đùi trái. Trước đó, vì nhà nghèo, bố mẹ đi làm xa nên em thường xuyên phải tự đi xe đạp đến trường. Hôm đó, trên đường từ trường về, không may va chạm với ôtô đi ngược chiều từ trên dốc xuống.  Em nào hay biết, vụ va chạm đấy có thể sẽ khiến em bị hỏng chân…

Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2015", chiều 12/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức thăm hỏi, trao quà cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí về số người chết, số vụ, số người bị thương.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Khuất Việt Hùng, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông hàng ngày nói chung vẫn còn ở mức cao. Những nạn nhân như chị Hiền, cháu Hằng, cháu Trúc… sẽ phải sống mãi cùng di chứng từ tai nạn giao thông.  Do đó, mỗi người trong chúng ta vẫn phải thực hiện đúng các quy định về Luật an toàn giao thông đường bộ cũng như các quy định để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình, người thân của mình cũng như hạn chế được các ảnh hưởng tới xã hội và cộng đồng. 

Tại bệnh viện, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, bệnh viện tiếp nhận nạn nhân bị tai nạn giao thông chỉ là khâu cuối cùng khi tai nạn xảy ra và nhiệm vụ của bệnh viện là cứu chữa, mang lại sự sống cho người bệnh để hòa nhập cộng đồng. “Thăm hỏi động viên nạn nhân tai nạn giao thông cũng chính là cảnh báo những hiểm họa mà tai nạn giao thông đem lại đến mỗi người cầm lái và trách nhiệm của người đi đường trong việc để xảy ra tai nạn đối với xã hội. Bản thân bệnh viện mong muốn ít tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông” bà Hường nói.  Bệnh viện cũng cam kết sẽ chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh tốt nhất và tham gia cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin liên quan đến tai nạn giao thông để cộng đồng biết, hiểu, chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ. Thay mặt lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ nói chung, tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng đã hỗ trợ tốt nhất các điều kiện về nhân lực, vật lực, luôn túc trực cấp cứu kịp thời cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông và người bệnh. Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã thăm hỏi và trao tặng các phần quà cho các nạn nhân nằm viện tại Bệnh viện Việt Đức.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong mười tháng qua (tính từ ngày 16-12-2014 đến 15-10-2015), toàn quốc xảy ra 18.437 vụ, làm chết 7.185 người, làm bị thương 16.755 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.364 vụ (-11,36%), giảm 290 người chết (-3,88%), giảm 3.218 người bị thương (-16,11%).
Phạm Huyền
.
.
.