Tai nạn giảm, ý thức người dân nâng cao
- Công an tỉnh Gia Lai đưa Nghị định 100 về làng
- Thay đổi tích cực hành vi từ khi có Nghị định 100/NĐ-CP
- Người dân bày tỏ sự ủng hộ thực hiện nghiêm Nghị định 100
Đánh giá từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, sau 2 tháng Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức đi vào cuộc sống, ý thức người tham gia giao thông ngày càng nâng cao, đặc biệt là trong vấn đề sử dụng rượu bia. So với thời gian trước liền kề, số vụ TNGT cũng giảm gần 800 vụ, giảm gần 200 người chết.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), 2 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 454.233 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền gần 398 tỷ đồng. Trong đó, có 23.590 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ, phạt tiền trên 90 tỷ đồng (xe máy, môtô chiếm chủ yếu, hơn 93,64%, xe ôtô chiếm 6,13%).
CSGT đã tước GPLX 14.849 trường hợp, tạm giữ 23.590 phương tiện các loại vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, vi phạm nồng độ cồn được phát hiện nhiều ở các tỉnh miền núi, nông thôn…
Cán bộ Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. |
Tại các thành phố lớn, người dân chấp hành tốt hơn khi tại TP Hồ Chí Minh có 948 trường hợp, Hà Nội 853 trường hợp bị xử phạt. Đặc biệt, trong 2 tháng qua, cả nước không xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây chấn động dư luận liên quan đến nồng độ cồn như thời gian trước đó.
Mặc dù vậy, nhìn vào số liệu xử phạt cho thấy vi phạm nồng độ cồn vẫn đáng báo động, nhất là một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Điều này cho thấy vẫn còn những người tham gia giao thông uống rượu bia say xỉn, cần phải xử lý nghiêm hơn trong thời gian tới.
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm và giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng khẳng định sẽ duy trì việc đo nồng độ cồn chứ không phải chỉ làm nghiêm trong thời gian đầu.
“Ý thức người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô đã có chuyển biến rõ rệt sau 2 tháng triển khai thực hiện Nghị định 100, nhờ vậy TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí. Vì thế, sẽ không có chuyện buông lơi”, Trung tá Hoài khẳng định.
Đánh giá về hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định 100 sau 2 tháng, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Nghị định 100 tác động tới mọi người dân và nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng về vấn đề uống rượu bia lái xe. Cùng với việc xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, các hành vi vi phạm khác như lùi xe trên cao tốc, nhắn tin khi lái xe, không thắt dây an toàn... vẫn đang được các lực lượng chức năng theo dõi giám sát và xử phạt thường xuyên.
Thực tế cho thấy Nghị định 100 có tác động sâu rộng, tích cực tương tự như quy định đội MBH khi đi xe máy cách đây hơn 10 năm. Điều đó đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia gia thông, được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, đây là vấn đề cần thực hiện thường xuyên và kiên trì. Sau nhiều thập kỷ kiên trì sửa đổi quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ, khắt khe hơn, tuyên truyền và thực thi tốt, đến nay ý thức tuân thủ của người dân các nước này rất tốt.
Qua 2 tháng thực hiện Nghị định 100 có thể thấy những chuyển biến rõ nét về ý thức và hành vi của người dân trong việc chấp hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia khi tham gia giao thông.