Tái diễn tình trạng trẻ em không đội MBH khi tham gia giao thông

Thứ Hai, 05/11/2018, 07:55
Đầu tháng 11-2018, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban ATGT các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT liên quan đến người đi môtô, xe máy vi phạm qui định về đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, đặc biệt đối với người đi môtô, xe máy chở trẻ em không đội MBH.

Một vài năm trước, việc xử lý trẻ em không đội MBH khi tham gia giao thông đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, ra quân rầm rộ. Từ việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động phát MBH miễn phí cho trẻ em; lực lượng CSGT còn phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh việc tuyên truyền tới phụ huynh học sinh và học sinh; có biện pháp kiểm tra, xử lý, trừ điểm thi đua đối với những em khi tới trường không đội MBH... Tuy nhiên, thời gian gần đây, lại tái diễn tình trạng này.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, mặc dù tình hình trật tự ATGT đường bộ 10 tháng qua trên toàn quốc giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so cùng kỳ năm trước, song, xuất hiện nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến môtô, xe máy, xe đạp điện làm nhiều nạn nhân tử vong, chấn thương nặng do không đội MBH, hoặc đội MBH không đạt chuẩn khi tham gia giao thông.

Điển hình là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc 23h30' ngày 24-10 tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên làm 3 người tử vong, 4 người bị thương nặng. Các nạn nhân đều không đội MBH, tuổi còn rất trẻ (tử 16 tuổi đến 21 tuổi).

Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm, có cả nghìn trẻ em thiệt mạng vì TNGT, trong khi, tỷ lệ trẻ em được đội MBH khi tham gia giao thông chỉ chiếm khoảng 35% đến 40%. Công điện của Ủy ban ATGT quốc gia lần này là sự nhắc nhở đối với các địa phương, các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải duy trì thường xuyên, tạo nền nếp, tránh "đầu voi đuôi chuột" trong việc chấp hành pháp luật ATGT, nhất là việc đội MBH cho trẻ em, nhằm đảm bảo an toàn cho con em chúng ta.

Tình trạng phụ huynh không nhắc nhở con em đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến.

Theo quan sát của chúng tôi, ở các thành phố lớn, khi các em học ở bậc THCS, nhiều gia đình đã mua cho con em mình xe đạp điện, có trường hợp còn sử dụng xe máy để các em chủ động trong việc đi học chính khóa, đi học thêm... và phần lớn các em đều không đội MBH... Khi được hỏi, tại sao không đội MBH khi tham gia giao thông, nhiều phụ huynh học sinh và học sinh đều nhầm tưởng: "Đi xe đạp điện không cần đội MBH"?

Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ban hành ngày 13-11-2013  qui định mức xử phạt đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm qui tắc giao thông đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng nếu không đội MBH khi điều khiển xe đạp máy hoặc ngồi sau xe đạp máy...

Như vậy, việc xử phạt không đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện đã có chế tài xử lý nhưng vì lý do khách quan và chủ quan mà đối tượng tham gia giao thông thường được lực lượng chức năng "cho qua"... Có nên sử dụng tên gọi "xe đạp" điện hay không khi bản thân nó có gắn động cơ và chạy với vận tốc không kém gì xe máy?

Hiện nay, đã có xe ôtô chạy bằng điện và các nguồn năng lượng khác, vậy nếu phương tiện giao thông không sử dụng nguyên liệu truyền thống thì sẽ có những yêu cầu "nhẹ nhàng" hơn khi sử dụng hay sao? Vấn đề này cần được các nhà chuyên môn, nhà làm luật xem xét để đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật khi tham gia giao thông...

Minh Khoa
.
.
.