Sớm giải quyết vấn đề tại Trạm thu phí T2, tránh tạo điểm nóng ANTT

Thứ Năm, 23/05/2019, 17:13
Ngày 23-5, Tổng Cục đường bộ Việt Nam cùng với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang tổ chức cuộc họp tại UBND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) ghi nhận ý kiến, xử lý vấn đề tại Trạm thu phí T2 nằm trên quốc lộ 91.

Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải An Giang khẳng định: việc đặt Trạm T2 như hiện nay trên quốc lộ 91, liên tục gặp phản ứng của Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và tài xế tại An Giang. 

Tỉnh kiến nghị cần phải có giải pháp xử lý đối với việc thu phí hiện nay cho các phương tiện từ Long Xuyên đến ngã ba Lộ Tẻ vào quốc lộ 80 hoặc lên cầu Vàm Cống. Bởi, tài xế chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn chưa đến 300 m, tuyến đường nâng cấp quốc lộ 91 nhưng phải đóng phí toàn tuyến là không hợp lý.

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải An Giang trả lời báo chí vào trưa 23-5. 

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang phân tích, vấn đề thu phí tại Trạm BOT T2 đã đặt ra từ lâu và xử lý bằng phương pháp miễn giảm nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước khi cầu Vàm Cống chưa khánh thành, vì chỉ có xe An Giang và Kiên Giang qua trạm. 

Còn hiện nay, cầu Vàm Cống đã thông xe, phương tiện từ các tỉnh, thành đến An Giang đều phải qua Trạm T2. “Giải pháp trước đây là miễn giảm giá vé, không phù hợp với tình thế hiện nay”, ông Nguyễn Việt Trí nói và thông tin, các thành phần dự họp đều cho rằng phương án dời trạm là không khả thi, tốn kém.

“Chủ trì cuộc họp là Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ cũng đã đề xuất Tổng cục đường bộ nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo xin hướng giải quyết trong thời gian nhanh nhất. Tổng cục cần có thông cáo báo chí rõ ràng để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp chứ không để tình trạng tại đây nóng lên một cách vô lý. Bởi, việc thu phí ở trạm là chuyện nhỏ, còn sự xáo trộn xã hội, bất ổn an ninh cần được chú trọng hơn”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang nói.

Các phương tiện không đồng ý mua vé, buộc Trạm T2 phải xả các làn thu phí vào chiều 23-5. 

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết: dự án thu phí từ năm 2016 và đến đầu năm 2018 thì gặp sự phản ứng của người dân di chuyển trong cự ly ngắn. Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo công ty xem xét phối hợp với địa phương miễn giảm hơn 10.000 xe của tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. 

“Chủ đầu tư mong muốn Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi của dự án”, ông Nguyễn Văn Khang nói và cho biết hơn một năm qua đã giảm giá rất sâu nên tiền thu phí không đảm bảo. Chủ đầu tư đang kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và TP Cần Thơ hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng và một phần kinh phí đầu tư để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Hồi đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận, giao Bộ Giao Thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. 

Đến ngày 19-5 vừa qua, cầu Vàm Cống thông xe và nhiều tài xế phản ứng việc thu phí tại Trạm T2 với lý do họ sử dụng đoạn đường rất ngắn trên quốc lộ 91 từ Long Xuyên đến ngã ba Lộ Tẻ ra quốc lộ 80 đi Kiên Giang hoặc rẽ lên cầu Vàm Cống sang Đồng Tháp hoặc đi TP Hồ Chí Minh nhưng phải đóng tiền cho toàn tuyến.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có hai trạm thu phí gồm Trạm T1 đặt tại quận Ô Môn và Trạm T2 tại quận Thốt Nốt - giáp ranh tỉnh An Giang. 

Tài xế sử dụng tuyến quốc lộ 91 và 91B, từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại Trạm T1 thì sử dụng chính vé này qua Trạm T2 và ngược lại, mua vé Trạm T2 và sử dụng luôn cho Trạm T1. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt phương tiện.

Văn Vĩnh
.
.
.