Vắng khách nhưng Hà Nội vẫn quyết triển khai dự án xe buýt nhanh thứ 2
- Xe buýt nhanh BRT "vật vã" trong chiều tan tầm4
- Xe máy "ngáng đường" xe buýt nhanh BRT trong ngày đầu chạy thử
- Dư luận lên tiếng việc Hà Nội dành “đặc quyền” cho xe buýt nhanh
Mới hơn 1 tuần sau khi tuyến buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa chính thức đi vào vận hành, Hà Nội đã thông tin về việc sẽ xem xét đầu tư thêm tuyến buýt thứ 2 có lộ trình Kim Mã- Hòa Lạc. Tuyến buýt nhanh đầu tiên được đầu tư số tiền “khủng” hơn 1.000 tỷ đồng, đi liền với đó là việc dành hàng loạt ưu tiên cho xe buýt nhanh nhưng trên thực tế chưa thực sự phát huy hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên dành thời gian để tổng kết, rút bài học kinh nghiệm trước khi triển khai thêm, tránh sử dụng tiền một cách lãng phí.
Sáng 10-1, chúng tôi bắt tuyến buýt nhanh từ Bến xe Kim Mã đi về Bến xe Yên Nghĩa. Vẫn trong thời gian được đi miễn phí nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, xe khá vắng vẻ, lượng khách lên xuống dọc tuyến chỉ dao động khoảng 20 người.
Tại hầu hết các nhà chờ dọc lộ trình xe buýt nhanh như Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu… lượng khách chờ xe tương đối ít, chỉ khoảng từ 5-7 người. Trên các xe buýt nhanh chạy chiều từ Bến xe Yên Nghĩa về Bến xe Kim Mã, lượng hành khách có phần đông hơn nhưng cũng chỉ dao động khoảng 40 người lúc cao điểm.
Bác Trần Duy Minh, 80 tuổi, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Nghe nói Hà Nội đầu tư hơn 1.000 tỷ cho tuyến xe buýt nhanh nên tôi cũng cố gắng đi một lần cho biết”. Còn bạn Vũ Xuân Huy, sinh viên năm thứ 4, Khoa Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ: “Xe buýt nhanh hiện đại, đi nhanh hơn xe buýt thường”.
Số lượng hành khách đi xe buýt nhanh chưa nhiều. |
Do được ưu tiên về làn đường, xe buýt nhanh di chuyển nhanh hơn so với các phương tiện khác. Hầu hết các phương tiện đều có ý thức không lấn sang làn đường của xe buýt nhanh. Tuy nhiên, ở những vị trí gần với các tuyến đường giao cắt, đèn xanh đèn đỏ như Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến-Tố Hữu… có những phương tiện vẫn cố tình lấn sang làn đường dành cho buýt nhanh khiến cho giao thông có phần lộn xộn.
Thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho thấy, sau một tuần chính thức đưa vào vận hành xe buýt nhanh, lượng hành khách sử dụng xe buýt nhanh số 1 đã đạt con số hơn 65.000 lượt khách.
Trong đó, ngày 5-1 và ngày 6-1 đạt xấp xỉ 12.000 lượt/ngày. Lượng khách sử dụng xe buýt tăng lên từng ngày. Ngày đầu tiên 1-1 có trên 8.300 lượt khách; ngày 2-1, tăng lên 10.400 lượt khách, ngày 3-1 là hơn 11.200 lượt... và các ngày 5 và 6 xấp xỉ 12.000 lượt”.
Về tần suất vận hành, trong tuần vừa qua, buýt nhanh đã thực hiện đầy đủ theo biểu đồ, đạt 358 lượt/ngày. Tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 99,7%; sản lượng hành khách bình quân 32 khách/lượt; trung bình, 1 nhà chờ đón hơn 480 khách mỗi ngày.
Với mục tiêu phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông, việc Hà Nội triển khai tuyến xe buýt nhanh có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân Thủ đô.
Sau hơn 1 tuần chính thức vận hành, Hà Nội đã có thông tin về việc xem xét mở tuyến buýt nhanh số 2 với lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc. Bên cạnh những ý kiến tích cực đồng thuận, có ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có sự tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai tuyến buýt nhanh thứ 2 cho hiệu quả và tránh lãng phí nhất.
Là một người rất tâm huyết với việc phát triển giao thông của Thủ đô, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, chuyên gia giao thông đô thị đánh giá:
Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa mới đưa vào khai thác được hơn 1 tuần. Những gì đang diễn ra cho thấy xe buýt nhanh nhanh hơn xe buýt thường từ 5-10%. Điều này là tất nhiên bởi lẽ, dự án xe buýt nhanh được đầu tư với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, phương tiện tốt, đường sá có lối dành riêng, rộng rãi và phương tiện khác không được đi vào, nhà chờ tốt hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả xét tổng thể thì không đáng kể so với xe buýt thường. Tỉ lệ hiệu quả trong vận chuyển hành khách so với số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng là thấp, không muốn nói là rất thấp. Theo thiết kế, xe buýt nhanh có hiệu suất vận chuyển hành khách khoảng 90 người/lượt. Tuy nhiên, hệ số tận dụng trọng tải mới được hơn 30%, tức là khoảng 34 người/lượt, còn lại 70% xe rỗng. Mà đây lại là đang trong thời gian các hành khách được đi miễn phí.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy thì 1 xe buýt thông thường nếu khai thác tốt sẽ vận chuyển từ 5.000-6.000 người/h, trong khi xe buýt nhanh lại mới có công suất vận chuyển khoảng 10.000 người/ngày, như vậy chỉ bằng khoảng 2 giờ vận chuyển của xe buýt thông thường.
Hà Nội nên cẩn trọng xem xét việc có nên triển khai dự án xe buýt nhanh thứ 2 hay không. Cần phải có sự tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tránh sự vội vàng, bởi lẽ tuyến Kim Mã - Hòa Lạc là tuyến đường không đi qua những nơi đông đúc dân cư; lòng đường rộng. Tại sao không tận dụng để phát triển xe buýt thường?!
Mở thêm tuyến xe buýt nhanh thứ 2 cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ phải chi khoản đầu tư khổng lồ. Nhân dân và dư luận mong muốn sự cầu thị của Hà Nội trong việc xem xét mở tuyến buýt nhanh thứ 2 này từ thực tế đầu tư, triển khai và khai thác tuyến buýt nhanh số 1 đang diễn ra.