Quyết liệt xử lý “xe dù, bến cóc”
Các nhà xe, chủ phương tiện bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng. Nhức nhối nhất là hoạt động vận tải hành khách “núp bóng” xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng Internet, đón trả khách trái quy định. Tình trạng này gây mất trật tự hoạt động vận tải hành khách tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cũng như xâm phạm quyền lợi hành khách đi xe vì không có bảo hiểm khi xảy ra sự cố ATGT, gây bức xúc dư luận xã hội.
Cán bộ liên ngành tỉnh Thừa Thiên-Huế lập biên bản tài xế xe khách vi phạm. |
Điều đáng nói, hiện tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương nhưng các phương tiện hoạt động không được quản lý, giám sát hành trình, không đăng ký với cơ quan chức năng gây tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch. Vấn nạn “xe dù, bến cóc”, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của xe trá hình hợp đồng, xe hoạt động chui không bến bãi, không đóng thuế còn khiến tuyến cố định xe buýt Huế - Đà Nẵng “chết yểu”.
Ông Hồ Tăng Cường, Giám đốc HTX Vận tải du lịch TP Huế cho biết, tuyến cố định buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại có 81 xe đạt tiêu chuẩn (xe 29 chỗ ngồi) hoạt động từ 5h sáng đến 20h hàng ngày với tần suất 15 phút/chuyến. Nếu trước đây, bình quân mỗi xe buýt xuất bến có trên 15 khách thì nay chỉ lèo tèo 1, 2 hành khách. Thậm chí, xe buýt chỉ nhận 1 hành khách ở bến và đón thêm vài ba hành khách dọc tuyến nên các tài xế phải bỏ tiền túi để bù lỗ, chi phí bến bãi, nhiên liệu…
“Tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động rầm rộ, xe trá hình hợp đồng đón khách tận nhà, trả khách tận nơi, hoạt động như tuyến cố định, giành hết thị phần khách nên sau gần 1 năm đi vào hoạt động, nhiều chủ phương tiện vận tải hành khách tuyến buýt Huế -Đà Nẵng đang lo đến việc cắt tuyến, ngừng hoạt động vì thu không đủ bù chi. Nhiều chủ xe buýt lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do nhà cửa phải cầm cố ngân hàng vay tiền đầu tư xe buýt nhưng không thu hồi được vốn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng các vấn đề trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, một tài xế xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng ngậm ngùi chia sẻ.
Theo ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên-Huế, để chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình, Ban đã thành lập đội liên ngành tổ chức kiểm tra từ ngày 25-12-2020 đến 26-2-2021. Bên cạnh đó, Phòng CSGT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tăng cường phương tiện, lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vận tải hành khách trái quy định, nhằm đảm bảo trật tự ATGT dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Trước thực trạng “xe dù, bến cóc” bùng phát dịp cuối năm, mới đây, ngày 6-1, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để bàn giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này nhằm đảm bảo sự công bằng, quyền lợi cho người dân lẫn doanh nghiệp, hình thành nếp sống văn hóa giao thông.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, việc xử lý “xe dù, bến cóc” cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục. Vì thế, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại hoạt động của các HTX, doanh nghiệp vận tải, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng theo giấy phép đăng ký kinh doanh; vận động các xe kinh doanh vận tải chuyển đổi biển vàng để thuận tiện trong việc quản lý hoạt động.
Mặt khác, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách như xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.