Tài xế container chạy 16h/ngày, không chơi ma túy mới lạ!?

Chủ Nhật, 02/08/2015, 16:00
Thời gian qua, các loại xe tải, xe container liên tục gây tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh của người dân và các loại phương tiện lưu thông khác, kể cả tàu hỏa. Với quyết tâm dẹp bỏ nạn chở quá tải, tài xế sử dụng cồn, ma túy, bằng lái xe hạng FC giả, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh (PC67) đã mở đợt cao điểm đồng loạt ra quân từ đầu tháng 7, tăng cường kiểm tra, xử lý các loại phương tiện vận tải, trong đó chú trọng đến việc kiểm tra ma túy, nồng độ cồn của lái xe và bằng lái FC giả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, địa bàn thành phố đã xảy ra 1.783 vụ TNGT, làm chết 344 người, bị thương 1.549 người, trong đó một số vụ đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến xe đầu kéo, tài xế sử dụng chất kích thích... Giám đốc Sở GTVT TP Nguyễn Thành Chung cho hay, trong sáu tháng đầu năm, số vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra trên địa bàn TP chiếm 45% cả nước. Có hai lỗi chính liên quan đến kỹ thuật và tài xế.

Lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng liên ngành: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Công an phường, Thanh tra giao thông, Thanh niên xung phong, Kiểm soát quân sự, cán bộ y tế của Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh, Ban quản lý các trạm thu phí… trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian triển khai kiểm tra từ 21h hàng ngày tại các tuyến giao thông quan trọng, mật độ xe container, xe tải đông đúc như: QL1A, Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Định…

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng Phòng PC67 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Điểm nổi bật của đợt cao điểm lần này là việc triển khai xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế với máy móc, thiết bị hiện đại. Lực lượng chức năng sẽ kết hợp kiểm tra để phát hiện các trường hợp người điều khiển phương tiện có ma túy, nồng độ cồn, các chất kích thích trong cơ thể.

Đối với các trường hợp có ma túy, lực lượng liên ngành sẽ tiến hành bàn giao cho Công an giải quyết theo đúng thẩm quyền. Mặt khác, trong trường hợp tài xế cố tình tấp xe vào lề hoặc các đường nhánh để tránh kiểm tra, lực lượng liên ngành cũng đã bố trí 10 xe môtô đặc chủng với 20 chiến sĩ đảm nhiệm tuần tra, kiểm soát liên tục trên các tuyến đường để phát hiện các xe núp, né… tránh lực lượng chức năng yêu cầu đến vị trị kiểm tra và cưỡng chế khi cần thiết.

Khi một xe dừng tấp vào lề, cùng với việc kiểm tra giấy tờ, CSGT dùng máy đo nồng độ cồn định tính để kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Nếu xác định mức độ vi phạm, CSGT lập biên bản xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên ngành thuộc BV Công an TP Hồ Chí Minh xem xét dấu hiệu tài xế để xác định có sử dụng ma túy hay không. Nếu nghi ngờ tài xế có chất ma túy thì một tổ công tác khác sẽ tiến hành dùng bộ dụng cụ kiểm tra ma túy để kiểm tra đối với tài xế này.

Bộ dụng cụ kiểm tra được tài xế ngậm vào miệng trong vòng 3-5 phút. Quá trình ngậm, thiết bị sẽ thu giữ nước bọt, sau đó đưa vào máy để phân tích kết quả. Được biết, mỗi trường hợp kiểm tra ma túy sẽ có một bộ thiết bị riêng biệt nên hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Kết thúc phần kiểm tra này, tài xế sẽ điều khiển phương tiện về Trạm kiểm tra tải trọng nằm gần đó để TTGT tiến hành kiểm tra thiết bị hành trình, tải trọng và đặc biệt là bằng lái FC đối với tài xế container.

Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, bằng lái FC giả của tài xế container.

TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 7.827 giấy phép lái xe hạng FC, 8.929 số đầu kéo có bằng FC thấp hơn số xe đầu kéo đã đăng kiểm. Do thiếu nghiêm trọng tài xế có bằng hạng FC nên bằng lái giả FC ra đời. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 107 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả hạng FC (các loại giấy phép lái xe khác là 707 trường hợp).

Đối với trường hợp sử dụng bằng giả, ngoài việc giao đối tượng cho Công an xử lý, về phía ngành sẽ cấm cấp phép lái xe hành nghề đối với đối tượng này trong 5 năm.

Từ việc tài xế sử dụng chất kích thích được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT. Riêng trong năm 2014, cơ quan chức năng đã kiểm tra khám sức khỏe cho 39.000 lượt tài xế và đã phát hiện 121 trường hợp dương tính với ma túy. Trong 6 tháng đầu năm nay, phát hiện 16 trường hợp dương tính với ma túy trong tổng số 17.626 tài xế được kiểm tra sức khỏe.

Đã có không ít vụ TNGT do xe đầu kéo, container gây ra có liên quan đến tài xế sử dụng ma túy và các chất kích thích khác. Tình trạng ma túy bán tràn lan không kiểm soát diễn ra khắp nơi từ Nam chí Bắc đã dẫn đến nạn tài xế lái xe đường dài hút chích ma túy.

Tài xế Kh. lái xe đường dài từ TP Hồ Chí Minh ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tiết lộ: “Thông thường, tài xế chạy khoảng 8-9 tiếng mỗi ngày, nhưng khi tăng lên 16-17 giờ thì phải cần thứ tăng lực mới tỉnh được”.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về phương tiện vận tải này còn có nơi buông lỏng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận lái xe ôtô chở container vi phạm pháp luật giao thông đường bộ như: chở hàng quá tải trọng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, thậm chí một bộ phận lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cũng như làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khiến dư luận và nhân dân bức xúc.

Cũng theo lời tài xế Kh., ma túy xâm nhập vào lái xe tải, container đường dài chiếm số lượng rất cao. Dù không hề muốn và có đầy đủ hiểu biết về tác hại chết người của ma túy, nhưng anh đành phải chấp nhận để tồn tại. Những chuyến xe lầm lũi bò đi trong đêm vắng vẻ, nước tăng lực Redbull, cà phê không đường, thuốc lá đốt riết cũng lờn, không còn tác dụng nữa. Do đó, bước chân tử thần của ma túy từ từ tìm đến từ bạn bè đồng nghiệp, từ các quán nghỉ đêm trên đường thiên lý.

Hoàng Châu - Ngọc Lan
.
.
.