“Overbook” chỉ áp dụng với hãng hàng không truyền thống

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:30
Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu ở Việt Nam có xảy ra trường hợp bán vé quá số ghế? Nếu tất cả hành khách mua vé máy bay trên cùng một chuyến đều có mặt làm thủ tục để bay thì hãng hàng không sẽ phải xử lý ra sao?

Ngày 12-4, xuất hiện thông tin một hành khách gốc Việt David Dao - 1 trong 4 hành khách bị chọn lựa ngẫu nhiên phải ra khỏi máy bay vì hết chỗ nhưng kiên quyết từ chối xuống máy bay và bị các nhân viên của Hãng hàng không United Airlines cùng nhân viên an ninh cưỡng ép dẫn tới đập đầu vào thành ghế chảy máu và bị kéo lê ra ngoài.

Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu ở Việt Nam có xảy ra trường hợp bán vé quá số ghế? Nếu tất cả hành khách mua vé máy bay trên cùng một chuyến đều có mặt làm thủ tục để bay thì hãng hàng không sẽ phải xử lý ra sao?

Hãng hàng không Vietjet Air cho biết hãng không có chế độ bán vé overbook.

Ngày 12-4, trao đổi với phóng viên, đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific cho hay, hiện hãng không thực hiện bán chế độ overbook (chính sách đặt chỗ vượt quá số lượng ghế), nhưng đây là hoạt động bình thường trong ngành và được phép.

Vì hầu hết các chuyến bay đều có một tỷ lệ khách bỏ vé nhất định, nhất là hành khách mua vé khuyến mại hoặc giá rẻ, nhưng về nguyên tắc hãng hàng không vẫn phải giữ chỗ đó, mà không được tự ý hủy trừ khi khách chủ động thông báo.

“Trong trường hợp chuyến bay đầy khách thì hãng sẽ phải điều chuyển bớt khách sang chuyến khác có thỏa thuận và bồi thường với hành khách. Việc Hãng hàng không United Airlines để khách lên máy bay quá so với số ghế thì chắc chắn có gì đó ở đây. Bởi, việc kiểm soát này được làm rất chặt chẽ. Ngay tại khâu check in mặt đất đã phải cân đối được lượng khách trên chuyến bay đó, và phải xử lý ở mặt đất, hành khách sẽ không được lên máy bay”.

Tương tự, đại diện Vietjet Air cũng cho biết, hãng không có chế độ bán overbook, mà trên hệ thống có bao nhiêu ghế thì mở bán bấy nhiêu vé. Hiện tại ở Việt Nam có duy nhất Vietnam Airlines cho phép bán over booking.

Đại diện hãng này cho biết, lý do đặc thù của ngành hàng không là hàng hóa không trữ được, không có hàng tồn kho, nếu khách bỏ chuyến sát giờ sẽ bị trống ghế. Vì thế các hãng hàng không đều có chính sách overbook với tỷ lệ cao nhất khoảng 20%.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho biết: Vụ việc này liên quan đến nghiệp vụ overbook.  Ở Việt Nam, chúng ta có Thông tư 14 quy định rất cụ thể về việc này.

“Nếu khách rơi vào trường hợp overbook thì sẽ được bồi thường một số tiền nhất định và được chuyển sang bay vào chuyến bay sớm nhất kế tiếp”, vị này nói và cho biết thêm, ngoài việc đền tiền theo luật định, thường có thêm một khoản khác gọi là “bồi thường thiện chí” cho hành khách.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam Bùi Minh Đăng cho biết, chính sách overbook được cơ quan quản lý cho phép và ủng hộ do nó có lợi cho cả khách hàng, bên cạnh lợi ích tối đa hóa lợi nhuận của hãng. 

Tuy nhiên, chính sách overbook chỉ áp dụng với các hãng hàng không truyền thống còn các hãng hàng không giá rẻ lại không áp dụng chính sách này, vì với các hãng hàng không giá rẻ (như Vietjet hay Jestar Pacific), bạn đã bỏ tiền ra mua vé máy bay, không đi là mất luôn. Tuy nhiên với hãng hàng không truyền thống (như Vietnam Airlines), bạn mua vé máy bay có ngày giờ rõ ràng rồi, nhưng nếu bạn không đi thì vé của bạn vẫn còn đó.

Đặng Nhật
.
.
.