Những chia sẻ sâu sắc từ chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông”

Thứ Sáu, 12/10/2018, 15:00
Ngày 12-10, Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông và Đoàn Thanh niên Học viện CSND tổ chức Chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông năm 2018”. 

Chương trình nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông cho sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành của một số đối tác như: Công ty TNHH Grab, Công ty TNHH Thương mại công nghệ Go-Viet, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện..

Buổi tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho sinh viên về nguy cơ lái xe sau khi uống rượu, bia thông qua câu chuyện của hai “tuyên truyền viên” từng là nạn nhân tai nạn giao thông. Đó là bạn Nguyễn Quang Tạo (32 tuổi, ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) và  Hoàng Anh Mến (thôn Trại Mới,  xã Đồng Hựu, huyện Yên Thế, Bắc Giang). Cả Tạo và Mến đều bị tai nạn giao thông sau khi đã uống rượu say, đều nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Nguyễn Quang Tạo chia sẻ: “Hai năm đầu, tôi nghĩ mình đã trở thành người tàn phế khi hai chân bị teo, liệt. Tôi không còn một chút động lực nào, bi quan, đau khổ, có lúc muốn tìm đến cái chết. Nhưng sau khi ra Hà Nội học 2 năm, tôi đã được chứng kiến nhiều bạn trẻ (cũng là nạn nhân tai nạn giao thông)  rất thành công, sống có ích, tôi đã xác định lại quan niệm sống, chấp nhận  ngồi trên xe lăn suốt đời mà không bi quan. Thêm nữa, gia đình cũng là động lực cho tôi “hồi sinh”, tôi phải làm gì đó để không thể trở thành gánh nặng của gia đình. Và khao khát về một “mái ấm riêng” cũng tiếp thêm động lực cho tôi”. Anh Nguyễn Quang Tạo khuyên các bạn trẻ, “hãy quý trọng mình hơn, sống có trách nhiệm với chính mình”.

Các đại biểu, tuyên truyền viên giao lưu với các bạn sinh viên về tác hại của rượu bia và tai nạn giao thông.

Còn chàng trai Hoàng Anh Mến khiến cả hội trường xúc động khi bày tỏ: “Tình yêu không hợp có thể chia tay, rồi lại tìm được tình yêu mới, nhưng sức khỏe mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được. Vì thế, các bạn hãy trở thành những tuyên truyền viên hữu ích, tuyên truyền cho người thân, bạn bè đã uống rượu bia thì không lái xe”. 

Có một điều thật đặc biệt là cả hai bạn Tạo và Mến dù cả cuộc đời về sau phải gắn chặt với xe lăn, nhưng họ đều “giác ngộ” để vươn lên sống có ích, trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho chương trình “Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn”.

Cảm thông, xúc động trước thái độ sống tích cực và nghị lực của Tạo và Mến, có hai người con gái đã sẵn sàng gắn bó cuộc đời mình với hai tuyên truyền viên này. Và đám cưới đẹp như mơ của họ đã diễn ra. Hoàng Anh Mến nên vợ chồng với cô dâu Lục Thị Loan ở xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn vào tháng 12-2015 và họ đã có một bé trai kháu khỉnh, hiện đã được 18 tháng tuổi. Nguyễn Quang Tạo mới xây dựng gia đình từ tháng 5-2018 với Phạm Trang, một cô gái đẹp người đẹp nết ở Bình Dương, cùng viết nên “cổ tích giữa đời thường”…

Tại Chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông 2018”, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội cho biết, tai nạn giao thông hiện đang giảm trên cả ba tiêu chí, nhưng số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lại tăng. Có những vụ tai nạn thương tâm, sau khi nạn nhân được đưa lên xe cấp cứu hay vào tới bệnh viện, người nạn nhân vẫn nồng nặc rượu, không thể phẫu thuật. 70% số hành vi vi phạm về an toàn giao thông thuộc lứa tuổi 18 – 35, đây là con số rất đáng phải suy nghĩ.

Chú rể Quang Tạo và cô dâu Phạm Trang.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Thị Dung, Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, phần lớn họ đều đang ở tuổi lao động. Chi phí chữa trị, phục hồi cho nạn nhân tai nạn giao thông rất cao, và di chứng sẽ theo suốt đời. Do đó, bác sỹ Dung khuyên các bạn sinh viên phải “gương mẫu khi tham gia giao thông”, và hiểu sâu sắc những hệ lụy tàn phá cơ thể, sức khỏe do tai nạn giao thông mang lại mà chủ động phòng, tránh…

Thu Phương
.
.
.