Nhiều sai phạm trong vận tải hành khách tại 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ

Thứ Bảy, 18/11/2017, 10:09
Chỉ trong một thời gian ngắn từ 10 đến 27-10-2017, tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ôtô và hoạt động bến xe ôtô khách tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện hàng loại sai phạm.


Nhiều doanh nghiệp coi thường việc bảo dưỡng phương tiện

Thống kê cho thấy, trên địa bàn 3 tỉnh nói trên có tới hơn 200 đơn vị KDVT, với 23 bến xe khách, tuy nhiên mới chỉ tiến hành thanh tra 23 đơn vị KDVT và 4 bến xe khách. 

Kết quả cho thấy, có tới 17 đơn vị không xây dựng kế hoạch bảo dưỡng phương tiện theo quy định; 17 đơn vị không cập nhật hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc cập nhật nhưng không đầy đủ nội dung, không đúng với thực tế hoạt động của phương tiện hoặc hồ sơ lý lịch phương tiện không đủ nội dung. 

Cụ thể hơn, Công ty TNHH MTV vận tải Hồng Cúc Vĩnh Long, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đại Ngân (Tiền Giang) không lập hồ sơ lý lịch phương tiện theo quy định; Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Bạc Liêu (Bạc Liêu) có 41 xe ký hợp đồng hợp tác kinh doanh không thuộc quyền sở hữu của Chi nhánh hoặc quyền sử dụng hợp pháp của chi nhánh theo hợp đồng của đơn vị với tổ chức cho thuê tài chính; có 7 đơn vị không lưu hoặc không giữ đầy đủ hồ sơ phương tiện hoặc lưu các giấy tờ có quy định thời hạn nhưng hết hạn để phục vụ công tác quản lý phương tiện... 

Về vấn đề quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, đoàn thanh tra cũng phát hiện: DNTN Hà Lợi (Vĩnh Long) có 3 lái xe, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đại Ngân (Tiền Giang) không lập lý lịch hành nghề lái xe. Cùng đó có 19 đơn vị chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe; có 10 đơn vị chưa tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Thậm chí như Hợp tác xã xe Vĩnh Long có 11 lái xe, Công ty cổ phần Vận tải ôtô Tiền Giang có 6 lái xe chưa được khám sức khoẻ định kỳ theo quy định.

Sai phạm ở các DN vận tải sẽ là nguy cơ cao mất ATGT.

Nguy hiểm hơn, khi trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên Hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong một số thời điểm từ tháng 6-2017 đến thời điểm thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tại doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hà Lợi  (có 2 xe), DNTN Vĩnh Long (có 5 xe), Công ty TNHH Một thành viên vận tải Hồng Cúc Vĩnh Long (có 7 xe), người lái vi phạm về thời gian lái xe liên tục trên 10% số ngày xe hoạt động trong một tháng. 

Tại HTX Vũng Liên, HTX xây dựng vận tải miền Tây, DNTN Hà Lợi đều có người lái có trên 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy trong một tháng. Bên cạnh đó còn có 8 đơn vị có một số xe không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; HTX dịch vụ vận tải thuỷ bộ Phước Long (Bạc Liêu) còn có thiết bị không hoạt động từ 1-9-2017 đến thời điểm thanh tra. Liên quan đến viêc kê khai, niêm yết giá cước, đoàn thanh tra cũng chỉ rõ có 19 đơn vị có các xe được kiểm tra tại hiện trường không niêm yết hướng dẫn sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên xe quy định.

 Không chỉ có doanh nghiệp vận tải khi kiểm tra mới bộc lộ tồn tại, mà trên thực tế, ngay cả đơn vị quản lý như bến xe khách, Sở GTVT, đoàn thanh tra cũng đã chỉ rõ hàng loạt điểm chưa được...

Các Sở GTVT cũng “làm ngơ” trước vi phạm của doanh nghiệp

Mặc dù các sai phạm tại bến xe, doanh nghiệp khá nhiều, song đoàn thanh tra cũng nhận thấy các Sở GTVT của các tỉnh nói trên chưa thực hiện hoặc chưa tăng cường thực hiện các biện pháp để kiểm tra, xử lý. 

Bởi vậy, thanh tra Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là do các Sở chưa thật sự chú trọng, quyết liệt thực hiện một số nội dung thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở, chưa thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các đơn vị KDVT, bến xe khách. 

Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu, đối với Sở GTVT Bạc Liệu phải báo cáo UBND tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để xây dựng, công bố đưa vào khai thác các điểm đón, trả khách tuyến cố định; Rà soát, kiểm tra để chỉ đạo xử lý vi phạm đối với các trường hợp không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển hành khách cho Sở; Rà soát yêu cầu các đơn vị KDVT thực hiện truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của 103 phương tiện về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Đối với Sở GTVT Vĩnh Long, phải thu hồi phù hiệu 2 xe của DNTN Kim Phát Tam Bình nếu đến ngày 31-12-2017 đơn vị không quản lý; rà soát để gỡ bỏ thông tin phương tiện trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với 27 xe do hiện tại Sở GTVT Vĩnh Long không quản lý chuyên ngành đối với các xe này. Tổ chức kiểm tra và xác định nguyên nhân của các đơn vị KDVT hành khách theo hợp đồng không thực hiện thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển cho Sở GTVT để xử lý... 

Với Sở GTVT Tiền Giang, thanh tra Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát gỡ bỏ thông tin phương tiện trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với 9 xe do hiện tại Sở GTVT Tiền Giang không còn quản lý chuyên ngành; thu hồi giấy phép KDVT theo quy định đối với các đơn vị không KDVT trong thời gian 6 tháng liên tục. Việc khắc phục các tồn tại, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5-1-2018.

Phạm Huyền
.
.
.