Nhiều nhà xe ở Đà Lạt tự lập “bến cóc”

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:27
Nhiều doanh nghiệp vận chuyển hành khách đường dài tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) những năm qua đã tự lập riêng cho mình một “bến cóc” để hoạt động, bất chấp việc các cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, chấn chỉnh. 

Cùng với đó, trong 3 tháng gần đây, tình hình TNGT tại Lâm Đồng được cho là tăng cao bất thường.

Hàng loạt nhà xe chạy đường dài, Đà Lạt đi Hà Nội và các tỉnh miền Trung; Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ… đã tự lập riêng cho mình một “bến cóc”, đón và trả khách ngay trong nội ô TP Đà Lạt. 

Xe của Công ty TNHH Vận tải Phúc Hải lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Điều đáng nói, thực trạng này xảy ra từ nhiều năm qua nhưng chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt xử lý dứt điểm. Các “xe dù, bến cóc” đã gây ra không ít phiền hà cho người dân và du khách. Đường sá Đà Lạt vốn chật hẹp, nhiều xe khách lớn của các nhà xe này đậu đỗ lấn chiếm lòng đường, vìa hè, gây cách tắc, cản trở người tham giao thông. 

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, tại “bến cóc” của Công ty TNHH Vận tải Phúc Hải, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhiều xe khách lớn nhỏ của doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên đậu đỗ ngay dưới lòng đường. 

Theo phản ánh của người dân, hơn một năm qua, Công ty TNHH Vận tải Phúc Hải đã “trưng dụng” toàn bộ khu vực vỉa hè, và một phần lòng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn trước văn phòng của doanh nghiệp để làm bãi đỗ đậu cho các xe khách lớn chuyên chạy tuyến đường dài và xe trung chuyển.

Tương tự, các doanh nghiệp vận tải hành khách lớn khác tại Đà Lạt như Công ty TNHH Tài Thắng, nhà xe Thanh Thủy cũng đã lập riêng cho mình một “bến cóc” để tự do hoạt động nhằm trốn tránh sự kiểm soát thường xuyên của cơ quan chức năng. 

Tại đường Phạm Ngọc Thạnh, từ hơn 10 năm qua, “bến cóc” của Công ty TNHH Tài Thắng (xe chạy tuyến Đà Lạt -  Hà Nội) hoạt động khá nhộn nhịp ngay tại văn phòng công ty. Vào thời gian cao điểm, nhất là dịp Tết, hơn chục xe khách lớn nhỏ của doanh nghiệp này đậu đỗ, đưa đón khách chật cứng cả khu vực đầu đường Phạm Ngọc Thạch, ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia giao thông. 

Nhiều năm qua, nhà xe Thanh Thủy (chạy tuyến Đà Lạt – Đà Nẵng) cũng đã có “bến cóc” riêng trên đường Nguyên Tử Lực. Xe trung chuyển khách đi và đến của nhà xe này được đưa hết về “bến cóc” và “xuất bến” tại đây chứ không phải là bến xe liên tỉnh Đà Lạt theo quy định.

Theo Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng, trong đợt kiểm tra cuối tháng 10-2018, riêng tại TP Đà Lạt các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 “bến cóc” của các nhà xe Phúc Hải, Thanh Thủy, Vũ Hương, Tài Thắng, Hiền Ân, Bảo Vân và Thanh Bình Xanh. Ngoài ra, 14 xe dù của nhà xe Bảo Vân và Hiền Ân hoạt động “như chốn không người” ngay trung tâm TP Đà Lạt. 

Như vậy, gần như toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tại Đà Lạt đã tự lập riêng cho mình một “bến cóc” để hoạt động. Trong khi đó, tại TP Bảo Lộc có 25 “xe dù” hoạt động khi chưa được cấp phù hiệu, đón trả khách không theo tuyến đăng ký, xe chạy tuyến cố định như xe hợp đồng. 

Tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm và Cát Tiên, Thanh tra Sở GTVT xác định hơn 40 “xe dù”, 5 điểm “bến cóc” đón trả khách và cố tình chạy không đúng với các tuyến đã đăng ký.

Công an TP Đà Lạt cho biết, một số doanh nghiệp sử dụng phương tiện có trọng tải từ 45 - 50 chỗ ngồi hoạt động tuyến cố định nhưng lại “lách luật” và “núp” dưới hình thức xe chạy hợp đồng thường xuyên. 

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hiện nay xe giường nằm có phù hiệu xe hợp đồng dài hạn của một số doanh nghiệp vận tải hành khách đã “lách luật”, khai thác khách trên tuyến cố định và cố tình tắt giám sát hành trình để hoạt động, sử dụng phù hiệu hợp đồng dài hạn để chạy tuyến cố định trá hình. 

Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều phương tiện núp bóng “xe chạy hợp đồng”, đón trả khách tùy tiện, không chịu vào bến bãi theo quy định.

Theo Sở GTVT Lâm Đồng, xe hợp đồng trá hình có 2 dạng. Đó là xe của doanh nghiệp chuyên chạy hợp đồng và xe của nhà xe chạy tuyến cố định nhưng lấy ra một số xe chạy với hình thức hợp đồng đón khách chạy tuyến cố định. Xe chạy dưới dạng hợp đồng không phải vào bến nên giảm chi phí hai đầu bến, chạy được mọi lúc, mọi nơi không phải đăng ký theo tài. 

Trước thực trạng trên, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan để kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hành khách trá hình bằng tuyến cố định, xe hợp đồng, các tụ điểm “xe dù, bến cóc”.

Khắc Lịch
.
.
.