Nhiều hành khách thiếu ý thức xây dựng an ninh, an toàn hàng không

Thứ Bảy, 12/08/2017, 09:32
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ riêng sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện ra 15 trường hợp hành khách dùng giấy tờ giả để đi máy bay; 6 vụ hành khách to tiếng, đe dọa, đánh nhân viên hàng không, không chấp hành theo sự hướng dẫn của nhân viên hàng không; 10 vụ hành khách xô xát, đánh nhau gây mất an ninh trật tự khu vực sân bay.

Điều đáng nói, trong khi các nhà chức trách làm mọi việc để đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay, thì chính những hành khách này lại góp phần gây khó cho sự an toàn của họ và những hành khách đi cùng chuyến bay.

Đầu tháng 8, trong khi rất đông hành khách đang xếp hàng làm thủ tục lên chuyến bay BL791, chặng Hà Nội-Sài Gòn, lực lượng an ninh sân bay phát hiện một hành khách có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện hành khách đó tên là Đăng Lê M.Đ. (Trảng Bom, Đồng Nai), song lại sử dụng giấy tờ tuỳ thân mang tên Nguyễn Thanh Tú có hộ khẩu trú tại Càng Long-Trà Vinh. Ngay lập tức, sự việc đã được báo cáo lên Cảng vụ hàng không miền Bắc để lập biên bản xử lý.

Trước vụ việc này, kể từ đầu năm đến nay, lực lượng an ninh sân bay cũng đã phát hiện hàng chục trường hợp dùng giấy tờ đi máy bay sai quy định. Nghiêm trọng hơn, có cả hành khách nước ngoài dùng giấy tờ là người Việt Nam để bay. Cụ thể, hành khách  tên là Wi Huai Gang (SN 1980, quốc tịch Trung Quốc), sau khi vào Việt Nam bằng đường bộ qua Quảng Ninh-Móng Cái, nhưng chưa làm thủ tục nhập cảnh theo quy định, đã định bay vào Hồ Chí Minh bằng đường hàng không.

Người này đã định sử dụng một CMND mang tên Chung Tấn Tinh (1987, trú tại phường 2, quận 6, TP Hồ Chí Minh) để đi chuyến VN237, chặng bay HAN-SGN. Tuy nhiên, hành động sai trái của vị hành khách trên đã được lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn  kịp thời.

Ngoài việc dùng giấy tờ giả mạo, thời gian gần đây, tình trạng hành khách to tiếng, đe doạ, đánh nhân viên hàng không, không chấp hành theo sự hướng dẫn của nhân viên hàng không cũng có chiều hướng gia tăng.

Hành khách làm thủ tục trước khi lên máy bay.

Mới đây, hành khách Ngô Ánh S. (TP Điện Biên) khi làm thủ tục đi chuyến bay VJ421 HAN-PXU đã có hành vi dùng 1 kiện thùng carton hành lý xách tay ném vào mặt nhân viên thủ tục mặt đất là Bùi Thị Bảo Ngọc và Nguyễn Minh Phương đang làm thủ tục tại quầy 125 sảnh E, tầng 2, nhà ga hành khách T1. Hậu quả chị Ngọc bị sưng mặt và chảy máu mũi. Sự việc sau đó  đã được bàn giao cho Đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài xử lý theo quy định.

Hay như trường hợp của hành khách Yu Sang Keon (SN 1980, quốc tịch Hàn Quốc) do có các biểu hiện bất thường như nói lảm nhảm liên tục, có lúc đập phá đồ dùng, vật dụng cá nhân và đốt chăn ga, gối trong phòng dành cho khách, bị từ chối nhập cảnh, khiến 1 tivi hư hỏng nặng, 2 ghế, 1 bàn làm việc bị hỏng và chăn ga gối bị cháy…

Theo Nghị định 92 của Chính phủ về an ninh hàng không hình thức cấm bay được áp dụng cho những hành khách vi phạm với 3 mức khác nhau: cấm bay từ 3-12 tháng; cấm bay từ 12 -24 tháng và cấm bay vĩnh viễn...

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, việc Chính phủ đưa những quy định khá cụ thể về các hành vi cấm vận chuyển vào nghị định - một loại hình văn bản pháp quy ở mức rất cao thể hiện quyết tâm ngăn ngừa các hành vi gây rối, các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không. Câu hỏi đặt ra là liệu những quy định về cấm bay đã đủ sức răn đe hay chưa khi số vụ vi phạm dẫn đến cấm bay vẫn đang có dấu hiệu gia tăng?

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn khẳng định chế tài đã đủ mạnh. Sở dĩ số trường hợp vi phạm dẫn đến cấm bay vẫn còn nhiều là do đa phần hành khách, người vi phạm đều không nhận thức hết được hậu quả từ hành vi của mình, không biết được các chế tài xử phạt đang “chờ” mình.

Đặng Nhật
.
.
.