Nhiều điểm đen đe dọa an toàn giao thông trên quốc lộ
- Lật xe đầu kéo tại điểm đen giao thông trên quốc lộ 279
- Đà Nẵng chi gần 200 tỉ đồng cải tạo đường, xóa “điểm đen” giao thông
- Ưu tiên nguồn vốn giải quyết mạnh các điểm đen giao thông
- Xe tải né trạm thu phí, người dân bất an với “điểm đen” giao thông
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, năm 2019, đơn vị này đã cơ bản xử lý hết các điểm đen tồn tại từ trước. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã xử lý 65 điểm đen TNGT phát sinh (khoảng 400 tỷ đồng). Dự kiến từ nay đến hết quý 1 năm 2021, tiếp tục xử lý khoảng 25 điểm đen phát sinh mới bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ. Vị này thông tin thêm, nhiều năm qua, hệ thống quốc lộ được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT.
Một trong những nguyên nhân khiến TNGT diễn biến phức tạp có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông. Điển hình ở QL1A và nhiều tuyến khác: QL6, QL279, QL20, QL3, QL27C, QL51, đường Hồ Chí Minh... tồn tại nhiều điểm giao cắt đồng mức, góc mở nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế, thiếu các cầu vượt dân sinh cho xe máy và người đi bộ nên thường xuyên là các điểm gây ùn tắc, TNGT.
Bất cập khác được ông Lăng chỉ ra là lưu lượng phương tiện giao thông về đêm tăng cao; một số tuyến đường có dải phân cách giữa không có thiết bị chống chói, đinh phản quang và hệ thống điện chiếu sáng, trong khi TNGT xảy ra vào khung giờ 16h - 23h chiếm hơn 40% số vụ TNGT. Không những vậy, nhiều cầu, cống có bề rộng mặt cầu, mặt đường bị thắt hẹp. Một số đoạn trên QL1A lưu lượng giao thông lớn nhưng vẫn chỉ có 2 làn xe cho cả chiều đi và về...
Đề cập về đề xuất tổng thể khắc phục những tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông trên QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm, ông Lăng cho biết, các biện pháp được đề xuất chỉ là giải pháp tổng thể tăng cường, cải thiện ATGT. Trên cơ sở hạ tầng hiện hữu và trong nguồn vốn có hạn chỉ ưu tiên giải quyết những nút thắt về hạ tầng để cải thiện ATGT.
“Trước đây, lượng xe ít lưu thông vào ban đêm, trong khi nguồn bảo trì chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nên chỉ xử lý trước những điểm bức xúc về giao thông. Đến nay, lưu lượng xe tăng cao nên cần cấp thiết cải thiện các điều kiện an toàn cho người và phương tiện”, ông Lăng nói.
Để giải quyết vấn đề trên, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có công văn gửi tới Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình báo cáo giải pháp tổng thể tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên QL1.A và các quốc lộ trọng điểm. Trong đó, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ 5 nhóm giải pháp và cần thêm 4.000 tỷ đồng để cải thiện hạ tầng ATGT.