Nhiều bất cập uy hiếp công tác chạy tàu qua khu vực miền trung

Thứ Ba, 19/06/2018, 09:10
Thời gian qua, ngành Đường sắt đã nỗ lực khắc phục các hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, bố trí thêm hệ thống cảnh báo tại các đường ngang giao nhau với đường sắt… 

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, công tác đảm bảo TTATGT đường sắt qua địa bàn các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều bất cập, uy hiếp an toàn công tác chạy tàu...

Ông Trần Kiêm Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, hiện đơn vị đang quản lý hơn 176km đường sắt. 

Chỉ riêng tuyến đường sắt qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có 125 đường ngang hợp pháp, với 42 đường có người gác và 38 đường có lắp thiết bị cảnh báo tự động; 44 đường có biển báo phòng vệ. 

Tuy nhiên, vì nhu cầu đi lại nên số đường ngang dân sinh được người dân tự ý mở để băng qua đường ray đang gia tăng đột biến, với 144 đường. 

Do ý thức kém nên người dân bất chấp nguy hiểm đi trên đường sắt và tụ tập đông người gần đường sắt (Ảnh chụp trên tuyến đường sắt ngang qua tỉnh Quảng Ngãi).

“Ngoài việc các hộ dân sống gần đường ray mở đường ngang bất hợp pháp băng qua đường sắt thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất ATGT đường sắt là do hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu. 

Cụ thể, trong tổng chiều dài đường sắt từ tỉnh Quảng Trị đến chân đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế do đơn vị chúng tôi quản lý hiện vẫn còn 24km đường ray P38 tiếp nhận từ năm 1976; hơn 35km tà vẹt được tiếp quản từ sau năm 1975 và sử dụng cho đến nay. Ray cũ P38 thường bị gãy đột xuất, uy hiếp an toàn chạy tàu nên đơn vị chúng tôi thường xuyên phải cắt cử công nhân kiểm tra, xử lý. 

Ngoài ra, do hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, còn tồn tại nhiều đường ngang dân sinh giao nhau với đường ray nên cần phải sớm khắc phục. Thời gian tới, Công ty sẽ có biện pháp thay thế số ray và tà vẹt cũ ở các tuyến đường chính và đường dẫn vào ga để đảm bảo an toàn chạy tàu”, ông Thuận nói.

Cùng với số đường ngang dân sinh tự phát, hiện trên tuyến đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên-Huế có một số đường ngang được xây dựng đường gom nhưng không được đưa vào sử dụng. 

Cụ thể như tại Km đường sắt 698+050 đoạn qua phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy được xây dựng đường gom có đầy đủ hệ thống đèn tín hiệu, gác chắn tự động với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, nhưng suốt hơn hai năm qua, hệ thống này lại bị bỏ phí gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. 

Chính vì có nhiều bất cật về hạ tầng kỹ thuật đường sắt cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa được nâng cao nên thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành ở khu vực miền Trung đã liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường sắt gây hậu quả nặng nề. 

Như vào tháng 2-2017, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra vụ tai nạn tàu SE2 chở hơn 200 hành khách từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội tông vào xe tải BKS 75C-02691 băng qua đường ngang tại Km738+200 (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) làm 3 người chết, 4 người bị thương; đầu máy tàu SE2, nhiều toa xe và hơn 150m đường sắt bị hư hỏng nặng. 

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực đèo Hải Vân vào cuối tháng 11-2017 bị sạt lở liên tiếp nhiều điểm làm hàng trăm khối đất, đá đổ xuống chắn ngang đường ray khiến nhiều đoàn tàu với khoảng 1.000 hành khách bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô…

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh kiểm tra xác định, dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh có 130 điểm mở đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt, trong khi đó có 89 điểm chưa phù hợp với hành lang giao thông hiện nay. Bên cạnh đó ý thức của người dân khi tham gia giao thông tại các điểm này chưa cao nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt hết sức thương tâm. 

Chỉ tính năm 2017 có 4 vụ, 7 người chết, 9 người bị thương; 6 tháng đầu năm 2018 có 4 người chết, 6 người bị thương; trong đó, hầu hết các vụ TNGT đường sắt đều xảy ra tại các điểm giao nhau với đường ngang do người dân tự ý mở. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Danh, nhân viên gác chắn tuyến đường ngang giao với đường sắt nằm trên tỉnh lộ 628 đoạn qua thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), cho hay, tại điểm này có biển cảnh báo rõ ràng; cùng với đó, dù đường giao nhau có độ dốc cao nhưng hầu như người tham gia giao thông qua đây đều không có ý định dừng lại quan sát. 

“Bất cập ở đây là nhiều người dân có ý thức rất kém khi tham gia giao thông. Mặc dù chúng tôi nhiều lần kéo chắn cảnh báo tàu đang tới nhưng khi phát hiện chắn chưa kéo hết là họ cũng tranh nhau lách qua. Chúng tôi nhắc nhở họ thì họ tỏ thái độ khó chịu, văng tục”. 

Theo ông Phạm Văn Thanh, Chánh Văn phòng, Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đường ngang dân sinh tự mở băng qua đường sắt do các đường ngang này không có người gác chắn. Với khoảng 100km đường sắt qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện mới có 41 đường ngang hợp pháp cắt ngang với đường sắt. 

Trong số này, chỉ có 16 đường ngang có người gác, 10 đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, 15 đường ngang có biển báo. Điều này cho thấy, hành lang ATGT tại đây còn thiếu và chưa đồng bộ. 

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần lên cấp trên và cơ quan liên quan để tìm giải pháp đảm bảo ATGT, song đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng bất cập này”, ông Thanh bày tỏ.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng là bài học cho ngành Đường sắt trong việc kiểm tra, rà soát lại quy trình công tác, trách nhiệm của mình. Trước thực trạng bất cập trên tuyến đường sắt qua miền Trung, Ban ATGT các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt Bắc-Nam đã phối hợp cùng Sở GTVT, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và ngành Đường sắt trong khu vực tổ chức kiểm tra các tuyến đường ngang dân sinh. 

Nhiều địa phương như tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, sau khi kiểm tra và phát hiện các bất cập, đoàn đã đề xuất nhiều biện pháp khắc phục như giải tỏa cây cối, công trình hạn chế tầm nhìn tại các đường ngang, tiến hành sửa chữa đường ngang xuống cấp, yêu cầu bố trí và bổ sung các biển báo, đèn tín hiệu tại một số tuyến còn thiếu theo đúng quy định. 

Ngoài ra, còn kiến nghị Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên nhanh chóng đầu tư cần lắp chắn tự động tại 6 đường ngang dân sinh hợp pháp, đặc biệt là các tuyến đường ngang trọng yếu để đảm bảo ATGT đường sắt, qua đó góp phần hạn chế số vụ tai nạn đường sắt xảy ra…

Anh Khoa - Trung Thành

.
.
.