Đường sắt Việt Nam - Những bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Chủ Nhật, 03/06/2018, 10:08
Nếu như trong quý I năm 2018, tai nạn đường sắt (TNĐS) giảm số vụ, số người chết và số người bị thương, thì sang quý II, TNĐS nghiêm trọng liên tiếp xảy ra: Lật tàu, hai tàu hàng đâm nhau, tàu đâm xe tải... Lỗi bắt nguồn ở cả ý thức của con người cộng với hạ tầng đường sắt yếu kém cùng một số nguyên nhân khác?

Để có những góc nhìn toàn diện, thấy rõ nguyên nhân và tìm ra những giải pháp nhằm giảm thiểu TNĐS, phóng viên Báo CAND phản ánh tới bạn đọc về thực trạng đường sắt Việt Nam, những bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bài 1: Tàu đến, người và phương tiện cứ qua!

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây đã công bố nguyên nhân ban đầu của 2 trong 4 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào tháng 5 có khởi nguồn từ ý thức chủ quan của con người, trong đó có phần lỗi không nhỏ từ nhân viên gác chắn đường sắt.

Hàng loạt người liên quan cũng đã bị đình chỉ công tác. Không phủ nhận sự “bất cẩn” của nhân viên làm nhiệm vụ gác chắn, song nhìn vào thực tế, thì sự chủ quan của người điều khiển phương tiện khi băng qua đường sắt cũng góp một phần lỗi không nhỏ vào việc làm mất an toàn giao thông.

Nghề gác ghi: Sảy một ly đi một dặm

Vẫn là những công việc ấy: Trực điện thoại, đẩy ghi chắn tàu. Thế nhưng, gần một tuần trở lại đây, sau các vụ tai nạn dồn dập xảy ra ở trục đường sắt Bắc - Nam, trong đó có vụ như không kịp hạ chắn dẫn đến tai nạn lật tàu ở Thanh Hoá, hậu quả khiến chính đồng nghiệp của mình là lái tàu và phụ tàu tử nạn, những người làm nhiệm vụ gác ghi tàu trên các đoạn tuyến có đường ngang đi qua ở khu vực Hà Nội thêm nhiều trăn trở, day dứt. Cái nghề vốn dĩ vẫn được coi là “sảy một ly, đi một dặm”, luôn đòi hỏi sự tỉnh táo và cần mẫn, thì nay hơn bao giờ hết lại phải chịu nhiều áp lực hơn, khi có nhiều người mang ra bàn tán.

Những người làm nghề gác ghi luôn phải chịu áp lực lớn với công việc của mình. Ảnh: CTV.

Trong căn chòi rộng hơn 10m², sau khi hoàn tất thủ tục nhận ban, chị Nguyễn Thị Hồng Hà (trạm gác chắn Định Công) bắt đầu ca làm việc trong ngày. Gắn bó với nghề gác chắn đã gần 10 năm, với chị, 4 bức tường, chiếc điện thoại và cuốn sổ nhật ký ghi chép lịch trình tàu chạy chính là “người bạn” thân thiết. Dù trời có nắng như thiêu hay lạnh cắt da cắt thịt, chị và đồng nghiệp đều phải trực đủ 12 tiếng, không được phép chợp mắt nghỉ bất cứ lúc nào.

Theo chị Hà, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là, vì mỗi khi tàu sắp tới, chị và đồng nghiệp phải ngay lập tức kéo rào chắn ra, để báo hiệu cho người lưu thông biết là sắp có tàu chạy qua.

Thậm chí, trong nhiều năm, nhà gần đấy mà số lần chị ăn bữa cơm đoàn tụ cùng gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trà và cà phê là hai thứ luôn thường trực để giúp các chị thêm phần tỉnh táo hơn, nhất là vào ca trực đêm.

Không riêng gì chị Hà, ghé qua Trạm chắn tàu Kim Liên A (Hà Nội), chúng tôi tiếp tục trò chuyện cùng chị Trần Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng ban 3. Chị Nhàn cho hay, Trạm chắn tàu Kim Liên A gồm 19 người chia làm 3 ban với 3 ca trực cách nhau 12h. Trạm gồm 8 dàn chắn. Trung bình, ban ngày có từ 7 chuyến đến 10 chuyến tàu còn ban đêm có từ 17 đến 25 chuyến tàu.

Nếu như trước đây, các nhân viên tại trạm phải kéo tay thủ công barie để chắn đường bộ mỗi khi tàu đến thì cách đây 2 năm, công nghệ bấm nút tự động barie chắn tàu đã được lắp đặt.

Vuốt vội những giọt mồ hôi đang chảy tràn trên mặt giữa cái nóng mùa hè lên đến hơn 40 độ C, chị Trần Thị Thanh Nhàn cho biết, mỗi khi đến ca trực, chị và các nhân viên chắn tàu luôn phải có mặt đúng giờ và thực hiện nhiệm vụ của mình. Công việc nghe qua tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng trên thực tế gặp rất nhiều áp lực.

“Khi tàu đến thì việc bắt buộc là phải chắn đường bộ. Thế nhưng, rất nhiều người to tiếng yêu cầu phải mở barie cho họ đi qua mặc dù tàu đã đến rất gần, thậm chí là chửi mắng, đánh chúng tôi nếu chúng tôi không thực hiện”, chị Nhàn chia sẻ và bày tỏ thêm: “Đã làm nghề thì không ai muốn sự bất cẩn, nhất là những bất cẩn đó để lại hậu quả đau lòng. Thế nhưng, nhìn đi cũng phải nhìn lại, nhiều người dân của ta ý thức còn chưa cao, điều này cũng đang góp phần không nhỏ làm mất an toàn trên những tuyến đường sắt”.

Barie đã hạ, người dân vẫn cứ băng qua

Không hiểu nhanh chậm gì vài phút, song lần nào cũng vậy, mỗi khi có tín hiệu báo tàu sắp tới, nhân viên đường sắt ra đẩy ghi, ngăn đường cho tàu chạy, không ít thì nhiều vẫn có người dân cố tình băng qua đường sắt. Có lần nhân viên nhắc nhở, còn bị họ quay lại đánh.

Dù vất vả, song những người làm nghề gác ghi chưa bao giờ dám lơ là với công việc của mình.

Chị Trần Thị Thanh Nhàn dẫn chứng: “Cách đây vài năm, anh Dương Văn Đông, Tổ trưởng một ban tại trạm đã bị một nhóm thanh niên từ 5-6 người vây đánh. Nguyên nhân do trước đó, họ yêu cầu anh mở barie để họ đi qua nhưng anh không đồng ý. Sau khi tàu đi qua, họ quay lại cầm theo hung khí đánh anh Dương khiến anh bị thương”. Công việc chắn tàu cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí là tai nạn giao thông.

Chị Nhàn tiếp lời: “ vào năm 2009, khi tôi cùng đồng nghiệp đang dọn vệ sinh tại đường ray thì bất chợt một chiếc ôtô lao đến. Mặc dù đã có biển báo cách 20m nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình đi vào khu vực cấm. Kết quả, tôi bị rạn xương sườn phải nằm viện 3 tháng mới hồi phục”.

Hay trường hợp chị Tâm, một đồng nghiệp cùng tổ cũng bị ôtô đâm vào khi đang kéo barie chắn tàu do xe mất phanh. 

“Những công nhân gác chắn đường ngang chưa bao giờ được thảnh thơi ngủ ngon. Nhiều khi mệt quá, vai tựa ghế, ngủ gà gật nhưng chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại reo, họ lại giật mình tỉnh giấc và thực hiện đúng các thao tác vốn dĩ lặp đi lặp lại từng ngày. Dù khó là thế, vất là thế song chúng tôi chưa từng dám lơ là với an toàn của đoàn tàu và người dân. Chỉ mong người dân nâng cao ý thức chấp hành quy định của Luật Giao thông”, chị Nhàn nói.

Không chỉ dừng lại ở việc người dân cố tình lao qua đường sắt khi đã có tín hiệu báo tàu sắp tới, nếu đi xuôi tuyến đường sắt tầm gần chục ki-lô-mét từ Lê Duẩn xuống Ngọc Hồi (Thanh Trì-Hà Nội), hay đi ngược từ Lê Duẩn về phía ga Long Biên, người ta cũng dễ bắt gặp cảnh nhà dân sống san sát chỉ cách đường ray chừng… 1m.

Cùng với đó là hình ảnh không ít trẻ em hồn nhiên coi đường ray là khu vực vui chơi, thậm chí có người lớn còn nhóm bếp, vô tư buôn bán ngay giữa đường dành riêng cho tàu chạy.

 

* Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, hiện, ngành đường sắt có tới 4.000 nhân viên gác chắn tại gần 1.700 đường ngang, trong đó có hơn 600 đường ngang có gác chắn ngày đêm. Đường ngang có gác vẫn tồn tại là chưa có điều kiện hiện đại hóa nên phải có người túc trực gác chắn tàu. Song bên cạnh đó, khi chỉ ra nguyên nhân các vụ TNĐS, ông Đoàn Duy Hoạch cũng thẳng thắn: “Một phần do công nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong đảm bảo ATGT đường sắt; chất lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; vật tư, phụ tùng; công tác sửa chữa, chỉnh bị phương tiện vận tải chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định dẫn đến tai nạn, sự cố”.

* Thống kê của VNR, đơn vị này có 207 người xin nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2017, gần bằng lượng người nghỉ trong cả năm 2016 (266 người), trong đó chủ yếu là “nghỉ hưu non” với 194 người nghỉ hưu trước tuổi dưới 2 năm. Còn tại các công ty con trực thuộc tổng công ty, số người nghỉ việc được nhận định là tăng mạnh nhưng chưa có con số thống kê cụ thể và tập trung chủ yếu ở nhân lực trẻ. 

Trong đó, bộ phận công nhân duy tu, gác chắn nghỉ nhiều nhất, lực lượng lái tàu và tiếp viên có nghỉ nhưng không nhiều. Tình trạng công nhân đồng loạt nghỉ việc xuất hiện nhiều tại một số khu vực dẫn tới việc thiếu nhân lực cục bộ. Chẳng hạn tại đơn vị gác chắn ở khu vực Giáp Bát, chỉ từ đầu năm tới nay, 10% số công nhân ở đây đã xin nghỉ việc mà lý do chính là do thu nhập thấp, áp lực công việc cao.

P.Huyền - N.Hương
.
.
.