Nhiều bất cập trong kinh doanh vận tải sẽ được khắc phục

Thứ Sáu, 05/01/2018, 10:35
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP).


Điều đáng chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua là công tác quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định; vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch; vận tải hành khách bằng xe taxi. Cụ thể, công tác quản lý tuyến vận tải hành khách doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chỉ cần đăng ký với Sở GTVT địa phương về giờ chạy theo biểu đồ do Sở GTVT công bố, trường hợp có từ 2 đơn vị đăng ký trở lên sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị.

Về vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch, Bộ GTVT cũng nêu rõ: Quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình này còn đơn giản dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị vận tải chỉ hợp thức hoá các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, lợi dụng vận tải hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các điểm như bệnh viện, trường học... và dọc các tuyến quốc lộ gây ra tình trạng tranh giành khách làm mất trật tự vận tải; gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong công tác quản lý nhà nước. 

Bên cạnh đó, để thực hiện Nghị định số 86, trong thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt; điều này cũng đã góp phần làm cho loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh do các điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về quản lý đối với xe hợp đồng còn tương đối dễ đạt được. 
Hà Nội có khoảng hơn 18.000 taxi truyền thống đang hoạt động mỗi ngày.

Vì vậy, đã xảy ra tình trạng xe vận chuyển hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định; hiện tượng “xe dù, bến cóc” do xe vận chuyển hợp đồng  gây nên đang ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đây cũng là một vấn đề bất cập cần giải quyết ngay. 

Về ứng dụng hợp đồng điện tử, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay đang thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử cho một số đơn vị, đối tượng tham gia là phương tiện thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. 

Sau hơn một năm thí điểm, bước đầu đã đạt được kết quả tốt, được nhiều người dân hưởng ứng và sử dụng do sự tiện lợi của dịch vụ mang lại và với chi phí đi lại hợp lý. Thông qua phần mềm kết nối, hành khách có thể biết được phương tiện nào, tài xế nào và khi nào thì phương tiện sẽ đến đón mình, biết được giá cước... 

Ứng dụng này cũng chỉ cho phép 1 xe được nhận và đến đón khách, không có tình trạng nhiều xe cùng nhận và chạy đến điểm đón. Với những hiệu quả như trên, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải có quy định cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch.

Hiện nay, số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân (Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã; TP Hồ Chí Minh có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống. 

Bên cạnh đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt taxi một cách nhanh chóng và thuận tiện, thông qua các thiết bị thông minh. Nổi bật là các ứng dụng Grab taxi, Easy, Live Taxi... đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh. 

Vì vậy, trong thời gian tới cần có quy định để quản lý các đối tượng này nhằm mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phạm Huyền
.
.
.