Bỏ phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải phải có lộ trình

Chủ Nhật, 22/10/2017, 10:24
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bỏ quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu trong kinh doanh vận tải. 

Đơn vị này cho rằng, quy định các xe ôtô tải phải dán phù hiệu, biển hiệu mới được lưu thông đang trở thành một loại “giấy phép con” gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp, chủ xe và phản khoa học.

Chưa đồng tình với quan điểm của VCCI, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu trong kinh doanh vận tải đã được thực hiện cách đây hàng chục năm và đã mang lại những hiệu quả nhất định như việc quản lý phương tiện và doanh nghiệp vận tải đã thuận lợi và quy củ hơn nhiều.

“Làm việc trong hiệp hội, tôi cũng đã và từng nghe phản ánh từ một số doanh nghiệp trong việc bị gây “khó” khi đi xin cấp phù hiệu tại một số địa phương, thế nhưng, tôi nghĩ cần tìm cách khắc phục từ gốc, đơn giản hoá thủ tục nhưng không phải vì thế mà bỏ quy định này”, ông Thanh lý giải thêm.

Nhìn vào phù hiệu, lực lượng chức năng sẽ xác định được xe khách vi phạm của đơn vị nào để xử lý.

Vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không quản lý sẽ rối loạn thị trường vận tải. “Mục tiêu chính của việc cấp phù hiệu là giúp các cơ quan chức năng dễ xác định xe đó thuộc doanh nghiệp nào, nếu có vấn đề gì xảy ra.

Đây cũng là cơ sở để quản lý đầu xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Liên quan đến đầu xe sẽ là chi phí và thuế đối với hoạt động vận tải của doanh nghiệp…”, ông Thanh nói và đề xuất, trước mắt chúng ta chưa thể bỏ quy định, song về lâu dài cũng nên tính đến việc làm sao tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp mà cơ quan quản lý vẫn có thể quản lý tốt.

 Trước đề xuất trên, đại diện Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết: “Điều 23, Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng người điều khiển xe ôtô chở hành khách, ôtô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định, hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng”.

“ Nếu bỏ quy định về cấp phù hiệu, thì sẽ thay thế bằng cái gì để quản lý doanh nghiệp?”, vị này băn khoăn. Bấy lâu nay chúng ta đã và đang làm rất tốt việc này. Vì có phù hiệu nên việc kiểm soát trên đường của lực lượng chức năng cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Đơn vị kinh doanh vận tải cũng biết “kìm” mình hơn. Thị trường kinh doanh vận tải vốn phức tạp, nay thả nổi thì diễn biến khó lường hơn nhiều.

Đại diện Phòng Vận tải cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, riêng Sở GTVT Hà Nội mỗi tháng thu hồi tới vài trăm phù hiệu ôtô có thời hạn do vi phạm về tốc độ, hành trình. Qua đây cũng ghi nhận, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm sau khi bị nhắc nhở cũng đã tự biết nhắc  tài xế của mình chấp hành luật nghiêm hơn.

Trên phương diện nhà quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ quan điểm: Theo Nghị định 86/2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô bao gồm 2 hình thức (kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp), trong đó quy định rõ các loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô, các quy định về vận tải người nội bộ.

Để quản lý mỗi loại hình kinh doanh này cần phải có các phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện. Việc gắn phù hiệu trên xe là cơ sở để xác nhận xe đó thuộc đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Việc cấp, quản lý và sử dụng phù hiệu cho từng loại phương tiện là thực sự cần thiết. Đây cũng là một trong những công cụ hữu ích để các lực lượng chức năng phân biệt và xử lý vi phạm.

Hiện nay, Bộ GTVT đang ứng dụng và hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống sẽ có đầy đủ dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải, khi đó Bộ GTVT sẽ nghiên cứu bỏ quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu, bà Hiền cho biết thêm.

Sở GTVT Hà Nội vừa có quyết định thu hồi 483 phù hiệu ôtô. Trong đó, 69 phù hiệu “Taxi Hà Nội”, 238 phù hiệu “Xe hợp đồng”, 16 phù hiệu “Container”, 72 phù hiệu “Xe tải”, 5 phù hiệu “Xe đầu kéo” của 214 đơn vị vận tải. Lý do thu hồi do trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, các phương tiện trên có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km chạy xe hoặc có 10% số ngày xe hoạt động, người lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục (vi phạm mục g, khoản 4, Điều 22 Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT). Thời gian thu hồi một tháng.  Ngoài 483 xe bị thu hồi phù hiệu, Thanh tra GTVT cũng nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục đối với 2.678 xe của 1.159 đơn vị vận tải vi phạm tốc độ lần đầu với các lỗi vi phạm nêu trên.
Đặng Nhật
.
.
.