Ngăn “xe dù, bến cóc” và bài toán công bằng giá cước

Chủ Nhật, 23/02/2020, 08:19
Câu chuyện “xe dù, bến cóc” đã tồn tại dai dẳng từ lâu và cũng khiến cơ quan quản lý không ít lần đau đầu để tìm ra giải pháp xử lý.


Mới đây, Nghị định số 10/2020 thay thế Nghị định 86 được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, về quản lý giá cước để tránh việc thất thu thuế đối với loại xe hợp đồng thì dường như vẫn cần xem xét.

Quy định mới sẽ siết chặt tình trạng “xe dù, bến cóc”?!

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, mấy năm gần đây, số lượng xe vận tải hành khách hoạt động theo hình thức hợp đồng tăng lên nhanh chóng. Trước kia, số lượng xe chỉ chiếm khoảng 10% nay chiếm tới 60% trong tổng số loại hình vận tải hành khách đường bộ. Cùng với việc gia tăng này, tình trạng “xe dù, bến cóc” cũng hoạt động “bát nháo” do việc nhiều đơn vị đến tận nhà đón khách.

Trước tình trạng này, Nghị định 10/2020  vừa mới được ban hành thay thế Nghị định 86 được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để “xe dù, bến cóc”. Điểm mới đáng chú ý được bổ sung cả đối với xe hợp đồng và xe du lịch là trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị.

Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết. Cùng đó, Nghị định 10 bổ sung hàng loạt các điểm mới khác để quản xe hợp đồng như quy định: Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển; chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng xe hợp đồng cũng phải kê khai giá cước.

Có nên buộc xe hợp đồng phải kê khai giá cước?

Trước tình trạng “xe dù, bến cóc” có nguyên nhân từ xe hợp đồng trá hình diễn ra phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định xe hợp đồng cũng phải kê khai giá để kiểm soát về thuế. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc các hãng taxi công nghệ không bị kiểm soát về giá là bất hợp lý.

“Xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất hoạt động như taxi, trong khi taxi kê khai và niêm yết giá cước đầy đủ, muốn tăng giá phải giải trình lý do thì xe hợp đồng điện tử số lượng xe gấp nhiều lần lại không làm điều này”, ông Hùng nói.

Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã ổn định giá cước từ giai đoạn tháng 6-2016 đến nay nên ông Hùng cho rằng, những ứng dụng gọi xe công nghệ thay đổi giá theo giờ, có thể giảm giá sâu vào giờ thấp điểm để rồi tăng giá thậm chí gấp tới 4 lần vào giờ cao điểm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trước vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để kiểm soát xe hợp đồng phải kiểm soát được hợp đồng vận chuyển và số lượng khách trên mỗi chuyến xe. Giá thỏa thuận theo hợp đồng phải đưa vào một khung giá dịch vụ cụ thể, xe hợp đồng cũng phải kê khai giá cước vận tải để có khung giá. Để làm được điều này, phải thay đổi Luật Giá hay sửa đổi Luật GTĐB.

Theo ông Hùng, để giải quyết tình trạng “xe dù, bến cóc” cần phải có một phần mềm quản lý kinh doanh vận tải được kết nối với thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kiểm soát từng khách và quản được giá hợp đồng vận chuyển.

“Trong đó, cần quy định bắt buộc doanh nghiệp phải khai vào phần mềm nội dung hợp đồng vận chuyển thông báo về Sở GTVT trước khi xe khởi hành. Đây là bằng chứng doanh nghiệp khai báo với Nhà nước. Qua phần mềm này cũng quản lý được chi phí vận tải cho mỗi chuyến xe do doanh nghiệp tự kê khai và Nhà nước sẽ hậu kiểm”, ông Hùng phân tích.

Trong khi đó, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc kê khai giá hay không phải tuân theo quy định pháp luật. Hiện, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giá như Nghị định 177, Nghị định 149 đã quy định rõ đối tượng nào phải kê khai giá và không có loại hình xe hợp đồng. Trong trường hợp thấy cần thiết thì báo cáo đề xuất Bộ Tài chính sửa các nghị định nêu trên.

Khách qua các bến xe lớn ở Hà Nội giảm quá nửa do dịch COVID-19

Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo về kết quả hoạt động vận chuyển khách trên địa bàn kể từ khi công bố dịch COVID-19. Theo đó, hầu hết các bến xe lớn trên địa bàn Thủ đô đều giảm số lượng lớn khách so với trước thời điểm có dịch.

Cụ thể, tại bến xe Nước Ngầm, trước khi công bố dịch COVID-19, lượt xe xuất bến trung bình 525 lượt/ngày; lượng khách trung bình 14.700 lượt khách/ngày. Tuy nhiên,sau khi công bố dịch COVID-19, số lượt xe xuất bến chỉ trung bình 494 lượt/ngày; lượng khách trung bình 9.880 lượt khách/ngày (giảm tới 33%).

Tại các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình thuộc quản lý của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí mức giảm còn lớn hơn.

Đặng Nhật
.
.
.