“Xe dù, bến cóc” gây ùn tắc giao thông

Thứ Ba, 10/09/2019, 05:31
Nhiều ngày tìm hiểu về tình hình vận tải hành khách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, PV Báo CAND thấy tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động náo nhiệt trên nhiều tuyến đường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến TTATGT.


16h chiều 5-9, xe khách Thành Công (Công ty TNHH vận tải Thành Công) dừng ngoài đường trước số 222 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, kế bên cửa hàng xăng dầu Lan Anh để bắt khách và lên hàng.

Xe để chạy tuyến bến xe (BX) Phước Long - Miền Tây, nhưng bắt khách dọc đường, hết xe này dừng bắt khách và lên hàng, một lúc sau xe khác lại đến dừng chờ khách. 17h, chúng tôi đến đường Đinh Bộ Lĩnh, ngay tại gần đối diện BX Miền Đông, có điểm đề Dịch vụ giữ xe Trân Bao Trân 391 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, có bảo vệ gác lối đi ra vào bãi.
Xe Toàn Thắng và Kim Mạnh Hùng đón khách trên đường Điện Điên Phủ, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Nhiều người chạy xe máy chở người thân và hàng hoá vào bãi đưa lên xe tại đây để đi, một lúc sau xe khác Đệ Nhất chở khách từ trong bãi đi ra. Khoảng 15 phút sau, xe khách Nhựt Hương tuyến BX Tuy Hòa - Miền Đông từ trong bãi trên đi ra rồi chạy vào bãi gần bên ở số 397. Ở đây không có bảng hiệu gì, phía trong có nhiều xe đang đợi khách, nhiều khách từ trong bãi đi ra bắt xe ôm.

18h, chúng tôi đến đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh về phía cầu Sài Gòn, ngoài đường trước cây xăng Comeco chi nhánh số 3 và cây xăng số 19 địa chỉ số 178/16 Điện Biên Phủ, khu phố 1, phường 21, quận Bình Thạnh, nhiều xe dừng bên đường đón khách.

Trong đó, xe Kim Mạnh Hùng BKS 51B-155.42, Toàn Thắng BKS 72B-032.36, xe Hoa Mai… đều dừng lại đoạn đường này khá lâu để đón khách, thậm chí các xe đứng dàn hàng ngang trên đường gây cản trở giao thông. Nhiều xe của các hãng này thường xuyên dừng ở lòng đường đón khách và lên hàng hoá, nhiều lúc vào giờ cao điểm gây ùn ứ giao thông, tạo thành khung cảnh rất lộn xộn, mất trật tự ATGT.

Sáng 6-9, chúng tôi rảo quanh khu các tuyến đường trên địa bàn quận 5, thấy khá nhiều “xe dù, bến cóc” đang lên hàng và đón khách gây ách tắc giao thông. Khoảng 10h, trên đường Hùng Vương, gần công viên Văn Lang, tại số 116 Hùng Vương, phường 9, quận 5, xe khách Duy Quý BKS 63B - 020.66 đứng bên đường bắt khách và đưa hàng hoá lên xe, khoảng 10 phút xe lăn bánh, sau đó khoảng 15 phút xe khác của hãng này lại đến đón khách. Có lúc hai xe khách Duy Quý BKS 63B-008.04 và 63B-007.27 đứng dàn hàng ngang trên đường một chiều này, tài xế trong xe chọc ghẹo nhau một lúc, bị các phương tiện khác nhấn còi thì một xe đứng bên ngoài mới chạy đi.

Còn trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5, xe Thịnh Phát BKS 51B-248.10 đứng trước số 25A đón khách và lên hàng hoá khá lâu làm các phương tiện đi lại khó khăn. Còn ở số 96 đường An Dương Vương, quận 5, hai xe Thành Công biển số 93N-1140 chạy tuyến BX Phước Long - Miền Đông nhưng đứng khá lâu để lên hàng hoá và đón khách.

Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở vẫn tiếp tục duy trì việc rà soát, cập nhật biến động các điểm có hoạt động đón, trả khách và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý các loại phương tiện vi phạm theo thẩm quyền trên địa bàn thành phố; đặc biệt tại các khu vực BX Miền Đông, BX miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga, trước khu du lịch Suối Tiên, các điểm có hoạt động đón, trả khách và dọc các tuyến quốc lộ. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 1.157 vụ vi phạm với số tiền xử phạt là 1,5 tỷ đồng.

Mặc dù Thanh tra Sở GTVT trong chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định đã thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, xử lý vẫn có một số khó khăn, vướng mắc.

Đó là, hiện nay, loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng, du lịch, du lịch lữ hành (dư luận thường gọi là xe khách “trá hình”) thì loại hình này thực hiện theo hợp đồng vận tải là sự thỏa thận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng (có thể là trụ sở, chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh… hoặc một vị trí bất kỳ theo thỏa thuận trong hợp đồng); khi vận chuyển hành khách thì lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách (theo mẫu).

Tuy nhiên, khi kiểm tra các phương tiện hoạt động theo loại hình này thì hầu hết đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ nêu trên nên công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn (chủ yếu chỉ xử lý được các hành vi vi phạm về dừng, đỗ không đúng quy định).

Trong tuần tra, xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định (để chờ lên xuống khách hoặc chờ tài) thì các tài xế thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái và khi thấy lực lượng chức năng thì tăng ga bỏ chạy, trong khi Thanh tra Sở không có chức năng “rượt đuổi” phương tiện; mặt khác, khi xe tăng ga chạy cũng gây mất an toàn giao thông cho người dân đang lưu thông trên đường (đã có nhiều trường hợp lái xe thấy Thanh tra Sở thì tăng ga bỏ chạy va quẹt vào các xe máy đang lưu thông gây tai nạn giao thông).

Các đơn vị kinh doanh vận tải thường cho người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì thông báo không cho xe vào tổ chức đón, trả khách, khi lực lượng chức năng rút thì tổ chức hoạt động trở lại hoặc khi có lực lượng chức năng thì đưa xe vào trong nhà, trong khu vực khuôn viên doanh nghiệp, trong các đường nội bộ để lên, xuống khách mà lực lượng chức năng không thể kiểm tra theo thẩm quyền.

Thanh tra Sở GTVT cho biết, thời gian tới tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra độc lập theo thẩm quyền và phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo Kế hoạch liên ngành đã ký kết.

Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở tiếp tục khảo sát, công bố các điểm dừng, đón trả khách trên hành trình tuyến cố định để tránh tình trạng phương tiện dừng, đón, trả khách không đúng quy định như hiện nay.

Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Trưởng Ban ATGT thành phố đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra thường xuyên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách. Quận phải chịu trách nhiệm tổ chức giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với các điểm chưa có đầy đủ pháp lý hoạt động. Không để tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn mình quản lý.

Nguyễn Cảnh
.
.
.