Ngăn chặn học sinh vi phạm pháp luật ở vùng cao

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:35
Thanh, thiếu niên, học sinh đang trong quá trình biến đổi tâm sinh lý, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, thói hư tật xấu. Ngoài ra, mối quan hệ lỏng lẻo giữa trẻ vị thành niên với gia đình – nhà trường – xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị vướng vào tệ nạn, vi phạm pháp luật.


Từ đầu năm 2020 đến nay, tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, nhất là việc sử dụng hung khí tụ tập đông người đánh nhau và gây rối trật tự công cộng. 

Hầu hết các trường hợp vi phạm đều là học sinh có chất lượng học tập thấp, thậm chí có cháu bỏ học đi lang thang, tục tập chơi bời. Mặc dù chưa hình thành băng, ổ nhóm mang tính chất chuyên nghiệp, gây án nghiêm trọng nhưng hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ANTT trên địa bàn. 

6 tháng đầu năm 2020, Công an huyện Bình Liêu đã phát hiện, xử lý 10 vụ, 54 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật. Trong đó đã khởi tố 1 vụ, 3 bị can về hành vi cố ý gây thương tích, xử lý 9 vụ, 50 trường hợp về hành vi cố ý đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Mới đây, tại chương trình cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện Bình Liêu đã đánh giá nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật và đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng trên.

Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng Công an huyện Bình Liêu cho biết: Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu từ đủ 16 đến 18 tuổi, ở địa bàn các xã Lục Hồn, Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu. Cá biệt, có những trường hợp tái phạm nhiều lần. 

Theo Thượng tá Trần Trung Hiếu, một trong những nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do một số phụ huynh mải lo cuộc sống mưu sinh, không thường xuyên quan tâm đến việc học hành, các mối quan hệ và sự thay đổi tâm sinh lý, lối sống của con em mình. Từ đó các cháu dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, ảnh hưởng lối sống thực dụng, hành động bạo lực và lệch lạc trong nhận thức dẫn đến vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. 

Bên cạnh đó, chương trình học tập của nhà trường mới chỉ chú trọng nhiều về giảng dạy kiến thức mà thiếu đi những hoạt động ngoại khóa giúp các em được học hỏi thêm kỹ năng sống, kiến thức thực tế, cách ứng xử, giao tiếp. 

Chưa nắm bắt được diễn biến, biểu hiện mâu thuẫn trong sinh hoạt, quan hệ để kịp thời có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, cũng như trao đổi thông tin đến gia đình, chính quyền, các đoàn thể cùng vào cuộc quản lý, giáo dục các cháu.

Qua thực tế đấu tranh, điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng là do mâu thuẫn cá nhân trong học tập, sinh hoạt của thành viên trong nhóm. Phần đông các cháu còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện trong học tập, lao động, thích hưởng thụ, đua đòi.

Hiện tại, huyện Bình Liêu có 24 trường học, trong đó có 6 trường gần biên giới, cửa khẩu với Trung Quốc, đa số các trường đặt tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. 

Theo ông Ngô Văn Mậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, đa phần học sinh các trường trên địa bàn đều là dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, một bộ phận gia đình học sinh sống ở gần các đường biên, mốc giới có mối giao tiếp phức tạp với nhiều người. 

Do đó, một trong những giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học cần nâng cao hiệu quả việc nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên thông qua môi trường mạng, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với tổ chức Đoàn thanh niên địa phương. 

Tăng cường đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh thông qua các trang web, diễn đàn trên mạng internet... nhằm phát hiện và phối hợp xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh trong học sinh. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin nhanh, hiệu quả giữa Phòng GD&ĐT với các trường, kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp xử lý các vụ việc.

Nguyễn Khánh
.
.
.