Một số nơi ở Hà Nội đang lát đá nhầm vỉa hè

Thứ Ba, 21/11/2017, 20:23
Thành phố có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố. Căn cứ vào chủ trương đó, một số quận huyện đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, có một số quận, huyện đang hiểu sai ý kiến chỉ đạo.


Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết tại buổi họp giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21-11.

Theo đó,  trả lời câu hỏi về chất lượng của đá tự nhiên dùng lát vỉa hè tại một số quận huyện và ở ngay cả những tuyến đường vỉa hè chưa xuống cấp, ông Trần Việt Trung cho biết: Thành phố có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố. Căn cứ vào chủ trương đó, một số quận huyện đang triển khai thực hiện. 

Một số quận, huyện hiểu sai chủ trương của thành phố về lát đá vỉa hè

Tuy nhiên, có một số quận, huyện đang hiểu sai ý kiến chỉ đạo, do vậy, tổ chức lát vỉa hè ở cả những vỉa hè có thể còn sử dụng được. “Thành phố đã chỉ đạo và Sở Xây dựng đã cho kiểm tra đánh giá. Về chất lượng, hiện nay, một số vỉa hè có chất lượng chưa đạt cần phải chấn chỉnh. Trong quá trình triển khai các dự án này, chúng tôi đã kiểm tra đánh giá và nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra kỹ về chất lượng. Các chủ đầu tư cũng đã kịp thời khắc phục ngay”, ông Trung cho hay.

 Bên cạnh đó, Sở xây dựng cũng tham mưu cho thành phố yêu cầu các quận huyện rà soát lại và những tuyến đường nào còn đảm bảo chất lượng thì tiếp tục sử dụng; chỉ những tuyến đã xuống cấp, hư hỏng mới triển khai lát lại bằng đá tự nhiên.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công..

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công...

Cụ thể, tại các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... việc xử lý vi phạm của địa phương còn lúng túng. Thậm chí, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm. Hầu hết các địa phương để xảy ra vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được làm thường xuyên. Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị còn thiếu.

Đáng chú ý, báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu rõ, khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, việc đình chỉ còn chưa có hiệu lực thi hành; chưa quyết liệt xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Một số công trình vi phạm trên địa bàn UBND phường, lực lượng thanh tra xây dựng không kịp thời báo cáo các cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý, khi được dư luận và báo chí phản ánh, các cơ quan vào cuộc thì các công trình đã vi phạm với quy mô lớn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.

Thời gian vừa qua, do vấn đề biên chế của lực lượng thanh tra xây dựng tại các quận, huyện nên trách nhiệm của những đơn vị này với chính quyền địa phương còn chưa cao. Hơn nữa, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện còn nhiều hạn chế, sai phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời.



Ngọc Yến
.
.
.