Mạnh tay xử lý để “hạ nhiệt” vi phạm về nồng độ cồn

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:31
Lỗi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân khiến số vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp. Xác định rõ việc “hạ nhiệt” các vi phạm liên quan đến rượu bia là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi vi phạm, TNGT trên địa bàn, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) – Công an tỉnh Phú Thọ đã tập trung, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm.


Thiếu tá Hoàng Xuân Phương, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi sử dụng rượu – bia quá mức quy định. 

Để không bỏ lọt vi phạm cũng như tạo sức răn đe người điều khiển phương tiện, trong quá trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, các tổ công tác của Phòng đã thiết lập đường “cưỡng bức”. Đây là con đường di động được lập nên bởi hệ thống biển báo giảm tốc độ và cọc tiêu phân làn, hướng dẫn các phương tiện đi vào điểm đo, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Ngày 14-2 ghi nhận thực tế trên tuyến quốc lộ 2, đoạn qua địa phận thành phố Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi nhận thấy, con đường “cưỡng bức” mà tổ công tác của Phòng CSGT đang thiết lập ở Km66 + 700, quốc lộ 2 đem lại nhiều hiệu quả. Người điều khiển phương tiện (ôtô con, xe máy) khi đi đến đây, dưới sự chỉ dẫn của Trung úy Lâm Văn Sơn, Đội TTKSGT số 2, đều giảm tốc độ, táp vào con đường “cưỡng bức”. 

Tổ công tác Phòng CSGT - Công an tỉnh Phú Thọ đo nồng độ cồn của tài xế tại đường “cưỡng bức”.

Thượng úy Nguyễn Chí Cường, Tổ trưởng Tổ công tác đang làm nhiệm vụ ở đây cho biết, khi gặp đường “cưỡng bức” trên, người điều khiển phương tiện đều phải chấp hành hiệu lệnh của cán bộ CSGT làm nhiệm vụ. Do vậy, trường hợp nào sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện qua đây đều bị phát hiện và xử lý. Qua đó, ngăn chặn kịp thời TNGT có thể xảy ra.

Thượng úy Nguyễn Chí Cường vừa dứt lời, từ hướng đường TP Việt Trì, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), xuất hiện xe ôtô mang BKS 30E-270.9x. Thoáng thấy con đường “cưỡng bức” được lập ở phía trước, tài xế điều khiển xe ôtô trên liền giảm tốc độ. Để đảm bảo an toàn giao thông, các thành viên trong tổ công tác hướng dẫn tài xế đi vào con đường “cưỡng bức” để đo nồng độ cồn. 

Sau khi dừng xe tại vị trí quy định, tài xế Nguyễn Trọng Luân, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bước xuống với khuôn mặt đỏ gay. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn có trong hơi thở tài xế Luân, tổ công tác của Đội TTKSGT số 2 phát hiện tài xế Luân vi phạm với lỗi trong hơi thở có nồng độ cồn quá mức quy định (thực tế đo được là 0,095miligam/1 lít khí thở). 

Với lỗi vi phạm trên, tài xế Luân đã bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 2 tháng và sau đó phải nộp phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng.

Ghi nhận ở đây hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến có 5 trường hợp (trong đó, có 4 trường hợp điều khiển xe ôtô và 1 môtô) bị lập biên bản vi phạm về nồng độ cồn.

Điều dễ nhận ra, khi có mặt trên nhiều tuyến đường thuộc tỉnh Phú Thọ, nhất là ở khu vực TP Việt Trì thời gian trở lại đây, hình ảnh các “ma men” sau khi rời quán nhậu, nhà hàng, với dáng vẻ liêu xiêu, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã giảm đi rõ rệt. 

Thiếu tá Hoàng Xuân Phương cho biết, có sự chuyển biến tích cực trên cũng bởi, trong năm 2016, thông qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 12.180 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tạm giữ 12.180 phương tiện, tước giấy phép lái xe 12.180, phạt trên 23 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chỉ tính riêng từ ngày 16-12-2016 đến ngày 5-2-2017, số trường hợp vi phạm liên quan đến rượu bia bị lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát khác lập biên bản xử lý là 1.881 trường hợp, tạm giữ 1.881 phương tiện, nộp Kho bạc Nhà nước gần 4 tỷ đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đã quán triệt ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh: “Không nương tay với các vi phạm”. Theo đó, mọi trường hợp vi phạm bị phát hiện, đều bị lập biên bản xử lý nghiêm. 

Trở lại điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Km 66+700, quốc lộ 2 ở trên, chúng tôi ghi nhận 3/5 trường hợp khi bị đo nồng độ cồn cho kết quả quá mức quy định đã rút điện thoại, gọi… cho người thân can thiệp việc xử lý. Tuy nhiên, tổ công tác sau khi tuyên truyền, giải thích đã kiên quyết lập biên bản xử lý.

Điển hình như trường hợp của tài xế Trần Nam Trung, ở TP Việt Trì điều khiển xe ôtô mang BKS 19A-030.2x sau khi bị tổ công tác của Đội TTKSGT số 2 kiểm tra và cho kết quả trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở đến 0,4 miligam/lít khí thở (thực tế đo nồng độ cồn là 0,322 miligam/lít khí thở), tài xế Trung đã gọi điện thoại cho một ai đó, đồng thời cho biết bản thân là người quen của một đồng chí đang công tác tại Phòng CSGT. Nhưng không vì thế mà tổ công tác bỏ qua. 

Biên bản vi phạm ngay sau đó đã được lập. Theo đó, lỗi vi phạm trên của anh Trung bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện một tuần và tước giấy phép lái xe trong 4 tháng.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để “làm gương” cho các vi phạm cũng như tạo sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, một tổ công tác chuyên trách của Công an tỉnh được thành lập và có nhiệm vụ thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh vi phạm về nồng độ cồn. Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận trên địa bàn.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, thẳng tay với các vi phạm Luật Giao thông, trong đó có vi phạm liên quan đến rượu – bia, thời gian trở lại đây, tình hình TTATGT trên địa bàn, nhất là số vụ TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ rượu – bia đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, theo đánh giá của Phòng CSGT – Công an tỉnh Phú Thọ, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào liên quan đến nồng độ cồn. Thực tiễn này cho thấy, cách làm hay để hạ nhiệt vi phạm về nồng độ cồn trên cần được nhân rộng.
Nhóm PV
.
.
.