Hà Nội bất lực trước tình trạng xe “dù”, bến “cóc”?

Thứ Hai, 18/04/2016, 07:52
Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” không phải mới xuất hiện trên địa bàn TP Hà Nội. Nhưng gần đây, tình trạng vi phạm trên có chiều hướng gia tăng và phức tạp. 


Bát nháo “bến cóc”

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội đã có công văn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhằm chung tay vào cuộc, xử lý dứt điểm các vi phạm. Câu hỏi được đặt ra: phải chăng các cơ quan chức năng bất lực trước các vi phạm?

Gần đây trên đường Khuất Duy Tiến đoạn gần nút giao với đại lộ Thăng Long xuất hiện một số “bến cóc” – xe khách dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định gây mất an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông khiến người dân bức xúc. 

Theo thông tin phản ánh, 15h20 ngày 14-4, chúng tôi có mặt tại đường Khuất Duy Tiến, đoạn đối diện Khu nhà ở - văn phòng – dịch vụ thương mại Vinaconex 1. Tại đây, chúng tôi ghi nhận gần chục xe taxi, xe ôm đang đợi xe khách trả khách sử dụng dịch vụ. 

15h30, chiếc xe khách hãng “A.H” mang BKS 15B – 014.3x chạy tuyến Lạc Long – Yên Nghĩa từ đường trên cao lưu thông xuống đường Khuất Duy Tiến xuất hiện. Thấy xe chạy giảm tốc độ táp vào lề đường nhiều tài xế xe ôm, xe taxi đã “nhao” lại. Từ trên xe, bước xuống 3-4 hành khách tay xách nách mang hành lý. Những lời mời chào như: “xe ôm không em ơi!”, “về đâu, lên xe taxi anh chở cho” v.v... của cánh tài xế xe ôm, xe taxi bỗng chốc khiến nơi đây trở nên lộn xộn. 

Đáng ngại hơn, khi lỗi vi phạm dừng đón trả khách không đúng quy định tại “bến cóc” này còn khiến nhiều người điều khiển phương tiện lưu thông phía sau thiếu chút nữa đã xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Một trường hợp xe khách trả khách không đúng quy định trên đường Khuất Duy Tiến.

Một số người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết, hiện tượng xe khách dừng đón, trả khách không đúng quy định cũng như tình trạng xe taxi, xe ôm dừng, đỗ ở đây để mời chào khách sử dụng dịch vụ xuất hiện đã lâu song đến nay vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. 

Sáng 17-4, trở lại trục đường này, chúng tôi vẫn ghi nhận hiện tượng dừng, đón trả khách không đúng quy định. Không riêng gì điểm “bến cóc” đã nêu trên, ngay trước cổng tòa nhà “số 1 Thăng Long” gần nút giao Khuất Duy Tiến – đại lộ Thăng Long, nhiều xe khách cũng đua nhau dừng xe “vợt” khách.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc những “bến cóc” này tồn tại khiến nguy cơ phát sinh tội phạm hình sự - trộm cắp tài sản luôn tiềm ẩn. Bởi theo quy luật, các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của hành khách khi chen lấn lên xe để “hành nghề” - trộm cắp tài sản. Và cũng vì nhộm nhoạm, tranh giành mời chào hành khách sử dụng dịch vụ xe ôm, xe taxi, số vụ ẩu đả, gây rối trật tự công cộng theo đó rất dễ xảy ra. Chưa hết, vào giờ cao điểm, tình trạng dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định này còn là nguyên nhân chính gây ra cảnh ùn ứ, ách tắc giao thông.

Quản chặt để tránh biến tướng

Cùng với việc tồn tại các bến “cóc”, tình trạng xe “dù”, xe hợp đồng biến tướng theo đó cũng xuất hiện trong thời gian gần đây. Nắm bắt tâm lý muốn được đón tại nhà, không phải tới bến mua vé để lên xe…của một số hành khách, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã sử dụng xe hợp đồng, xe chạy du lịch để chở khách trên tuyến không đúng quy định, khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách đã đặt ký tuyến cố định theo quy định của pháp luật bị ảnh hưởng. Các nhà xe chạy hợp đồng “vợt” khách không đúng quy định dạng này thường sử dụng xe 9-16 chỗ ngồi.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp xe khách vi phạm.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho biết, thực trạng xe “dù”, bến “cóc” vẫn là vấn đề nhức nhối trong cả nước không chỉ riêng bất cứ địa phương nào. 

Đối với TP Hà Nội, mặc dù các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã nỗ lực tăng cường kiểm tra, mở nhiều đợt ra quân, rà soát, xử lý, nhưng tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đến nay chưa có dấu hiệu suy giảm. Tình trạng này không chỉ đến từ những nhà xe nhỏ, chạy tuyến ngắn nội tỉnh mà ngay một số nhà xe lớn, chạy liên tỉnh cũng vi phạm. 

Đáng chú ý, trong thời gian trở lại đây, tình trạng sử dụng xe hợp đồng, xe du lịch để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định cũng đã xuất hiện. Lỗi vi phạm này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải có đăng ký tuyến cố định mà còn khiến Ngân sách Nhà nước thất thoát một số tiền lớn.

Đơn cử, đối với mỗi chuyến xe “dù”, doanh nghiệp sẽ trốn được khoảng 10% VAT từ tiền vé, phí bến bãi; rồi thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến cả triệu đồng/ chuyến v.v..

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, đối với xe hợp đồng, xe du lịch vận chuyển hành khách theo lịch trình cố định mỗi ngày như xe tuyến, tài xế và phụ xe thường thu tiền vé trực tiếp từ hành khách trên xe hoặc hành khách được phát vé hay phiếu xác nhận đặt chỗ khi mua vé tại văn phòng. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế sẽ xuất trình hợp đồng, danh sách khách để che dấu hành vi vi phạm. 

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, do lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hoạt động xe “dù”, bến “cóc” quá cao, đồng thời chưa bị các cơ quan chức năng tích cực xử lý nên nhiều nhà xe ngày càng vi phạm nghiêm trọng. 

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội ngày 12-4 đã có công văn gửi các cơ quan chức năng. 

Theo đó, kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát một cách đồng bộ, liên tục, kiên quyết thu hồi giấp phép hoạt động vận tải, xử lý nghiêm với những đơn vị vi phạm nghiêm trọng, ví như, đối với các trường hợp xe khách dừng đón trả khách không đúng quy định, ta cần tước phù hiệu, tạm giữ phương tiện vi phạm v.v..

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, siết chặt quản lý qua việc cấp phù hiệu cụ thể cho từng loại xe hợp đồng, xe du lịch chạy nội tỉnh và ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đầu tư các bến xe, điểm dừng đỗ, đón trả khách một cách hợp lý trên tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng như hành khách cũng là một trong những vấn đề mà các ban, ngành cần thực hiện một cách đồng bộ.
Trần Huy
.
.
.