Lần đầu Bộ GTVT quyết dừng thu phí: Biện pháp mạnh vì lợi ích người dân

Thứ Hai, 05/11/2018, 13:47
Người đứng đầu ngành giao thông đã có động thái quyết liệt trong việc dừng thu phí đối với một số tuyến đường BOT như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định. Đây là những tuyến đường đang khai thác nhưng đã hư hỏng hoặc xuống cấp ngay trong giai đoạn bảo hành....

Mới đây, người đứng đầu ngành giao thông đã có động thái quyết liệt trong việc dừng thu phí đối với một số tuyến đường BOT như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định. Đây là những tuyến đường đang khai thác nhưng đã hư hỏng hoặc xuống cấp ngay trong giai đoạn bảo hành. Song, theo nhiều chuyên gia, lần đầu Bộ Giao thông vận tải “đánh thẳng” vào “túi tiền” của nhà đầu tư, nhằm trả lại sự công bằng cho người dân lưu thông, đồng thời nâng cao chất lượng công trình và nâng cao trách nhiệm của đơn vị đầu tư trong những dự án đã, đang và sắp triển khai trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia giao thông, tuyên bố của người đứng đầu ngành giao thông Vận tải khiến người dân và đội ngũ tài xế rất hoan nghênh, đồng tình khi liên tiếp thúc giục, chỉ đạo các Tổng công ty, Ban quản lý dự án tăng cường kiểm tra, phát hiện, khắc phục nhanh các hư hỏng (thời hạn không quá một ngày đối với đường cao tốc và không quá 5 ngày đối với các đường khác) nếu không sẽ bị dừng thu phí. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thẳng thắn, đường hư hỏng, xuống cấp nhưng chủ đầu tư không chịu bỏ tiền ra bảo trì, vẫn tiếp tục khai thác rõ ràng cơ quan chức năng có quyền dừng thu phí để thực hiện trách nhiệm hợp đồng đã ký kết là đúng và cần thiết. 

Theo ông Phong, đường BOT hư hỏng nặng mà vẫn tiến hành thu phí là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nói cách khác là người dân bị “móc túi” một cách lộ liễu, phi lý, bởi họ không được sử dụng dịch vụ tốt nhưng vẫn phải trả tiền như bình thường là không thể chấp nhận.

Bổ sung thêm, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trước tiên, cơ quan Nhà nước cần xác định rõ nguyên nhân dẫn tới đường hư hỏng là gì? Rồi xác định lỗi do đâu? Sau đó cần tổng rà soát lại toàn bộ vì lỗi đã xảy ra thì sẽ còn tiềm ẩn ở vị trí khác, ảnh hưởng chất lượng toàn tuyến khi khai thác lâu hơn. 

Theo góc nhìn của ông Chủng, dù lỗi của ai, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính do giám sát chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm. Khi xảy ra hư hỏng mặt đường, chủ đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa, đổ lỗi, đùn đẩy.

Sau 15 ngày dừng thu phí, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã hoàn thành việc sửa chữa hư hỏng

 Đánh giá cao việc Bộ Giao thông Vận tải mạnh tay xử lý sai phạm khi để đường hỏng, chậm sửa chữa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, ông Bùi Sinh Quyền cho rằng: “Đây là hành động cần thiết để răn đe những chủ đầu tư chỉ quan tâm đến thu phí mà không nghĩ đến việc phải gấp rút sửa chữa là điều bất hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh.

 “Cơ quan chức năng có thể cần truy cứu trách nhiệm tới cùng của chủ đầu tư, đơn vị vận hành đường BOT khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến chất lượng đường không đảm bảo, ngoài trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho người đi đường cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng,” ông Quyền chia sẻ.

Không chỉ các chuyên gia, mà nhiều chủ doanh nghiệp, lái xe khi lưu thông qua tuyến đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thời gian qua cũng cho rằng, dù thời gian tạm dừng thu phí chỉ trong vòng nửa tháng, song họ cảm thấy được quan tâm hơn, không bị “bỏ rơi” trong tình trạng đường hỏng mà vẫn phải nộp phí.

Thừa nhận Bộ Giao thông Vận tải chỉ xử lý ở mức kiểm điểm, đình chỉ công tác chỉ mới là phần ngọn và bản án dành cho những cá nhân, tập thể liên quan vẫn còn quá nhẹ, một số chuyên gia bày tỏ chính kiến, lẽ ra, Bộ chủ quản phải thực thi  mạnh tay hơn trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu như luân chuyển công tác để người đứng đầu mỗi Ban quản lý dự án, Tổng công ty sẽ có trách nhiệm cao với công việc.

 Các chuyên gia trên cũng cho rằng, những lái xe chính là “tai mắt”, là kênh giám sát trực tiếp giúp Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát tốt nhất tới chất lượng con đường bởi họ vốn là những người thường xuyên phải bỏ tiền để chi trả đoạn đường xe chạy qua.

Nhật Uyên
.
.
.