Lái xe tải thoát nạn nhờ hộ lan con lăn trên dốc Cun, Hòa Bình

Thứ Năm, 09/05/2019, 07:59
Ngày 9-5, thông tin từ lực lượng chức năng cho hay, tại km số 79+400 Quốc lộ 6, đoạn qua dốc Cun thuộc phường Chăm Mát (TP Hoà Bình) đã xảy ra vụ TNGT làm 1 xe ô tô tải đổ lật ngang chiếm toàn bộ ½ mặt đường. Rất may, nhờ có hộ lan con lăn, nên lực va đã được hãm lại, không gây thiệt hại về người.

Cụ thể, theo camera giao thông ghi được, xe tải mang BKS 90C – 059.63 đang di chuyển theo hướng Sơn La – Hòa Bình. Do khi vào cua lái xe tải đã đi lấn làn và không làm chủ tốc độ nên suýt đâm phải người điều khiển xe máy đi đúng chiều. 

Lúc này, lái xe tải không kiểm soát được tay lái nên chiếc xe tải lật nghiêng va vào hộ lan con lăn. 

Hậu quả, đầu và thùng xe tải hư hỏng nặng, hàng hóa trên xe văng vãi khắp đường. Rất may là không có thiệt hại về người.

Có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng cũng nhận định, một phần cũng nhờ có hộ lan con lăn phân tán lực tác động nên chiếc xe tải không bị lao ra ngoài mà bị đẩy ngược trở lại vào trong. 

Hiện trường vụ tai nạn tại dốc Cun (Hoà Bình)

Vì trên thực tế, đoạn đường trên khá rộng, hai bên đường là vách núi và có khúc cua che khuất tầm nhìn. Khu vực này đường vắng xe nên các lái xe thường hay chủ quan, không giảm tốc độ hoặc giảm tốc muộn mới dễ xảy ra tình trạng trên.  

Trước đó, ngày 20-12-2018,hộ lan con lăn được lắp đặt thử nghiệm trên Quốc lộ 6, khu vực Dốc Cun. Đây là một phát minh đến từ Hàn Quốc, được lắp đặt trên các cung đường đồi núi hay các khúc cua gấp nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện. Trước Việt Nam cũng đã có nhiều nước áp dụng hộ lan con lăn để đảm bảo ATGT như Hàn Quốc, Malaysia, Úc và Mỹ.

Ông Nguyễn Đức Dung – Cán bộ phụ trách thi công công trình này cho biết, khi có va chạm, hệ thống rào chắn hấp thụ lực tác động trực tiếp thông qua cơ cấu giảm chấn và truyền lực phân bố đều lên toàn bộ hệ thống kết cấu gồm thanh rào, bánh xoay, trụ. 

Cơ cấu bánh xoay làm cho lực va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment trượt, qua đó chuyển hướng va chạm, đưa phương tiện trở lại quỹ đạo lưu thông, hạn chế các va chạm liên hoàn với các xe khác, ngăn chặn hoàn toàn xe vượt rào chắn khi xảy ra va chạm, tai nạn. 

Bên cạnh đó, màn phản quang trực quan trên bánh xoay có hiệu ứng mạnh khi đèn chiếu sáng kết hợp với màu sắc đánh thức giác quan người điều khiển phương tiện (đặc biệt là ban đêm) làm hạn chế nguyên nhân gây tai nạn do lái xe mệt mỏi hoặc buồn ngủ.


Phạm Huyền
.
.
.