Trò chuyện Chủ nhật

'Không để bất kỳ hành khách nào phải ở lại bến xe'

Chủ Nhật, 31/01/2016, 08:55
Chỉ còn vài ngày nữa là vào dịp cao điểm người dân di chuyển dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng, cho đến thời điểm này, tình trạng xe khách chở quá số người, nhồi nhét, bắt chẹt khách vẫn là nỗi lo lắng thường trực ở nhiều người dân.

Để người dân bớt lo lắng và hiểu hơn sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo những chuyến xe an toàn, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN).

Bà Phan Thị Thu Hiền.

PV: Thưa bà, chúng ta không phủ nhận tình trạng xe khách chở quá số người, nhồi nhét khách dịp Tết. Vậy, Tổng cục ĐBVN đã có giải pháp mạnh nào để xử lý tình trạng này?

Bà Phan Thi Thu  Hiền: Từ đầu tháng 12-2015, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản chỉ đạo quyết liệt các Sở GTVT chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, trong đó có phương án tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách với phương châm “không để bất kỳ hành khách nào phải ở lại bến xe”. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã công bố 3 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đồng thời chỉ đạo các Sở theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương tiện dự phòng để sẵn sàng sang tải khi lực lượng chức năng xử lý đối với các xe chở quá số người quy định.

Ngay những ngày cuối tháng 1-2016 này, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra đến một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc. Hiện nay tất cả các Sở GTVT đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố để triển khai kế hoạch phục vụ Tết, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, quyết liệt giải quyết tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định, tình trạng xe dù, bến cóc nhằm đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo quyền lợi của hành khách.

Trong thực tế tình trạng vi phạm trong hoạt động vận tải đòi hỏi có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội, đặc biệt là người dân. Qua báo chí, chúng tôi cũng kêu gọi người dân có nhu cầu hãy vào bến mua vé đi xe, kiên quyết không tiếp tay cho các nhà xe vi phạm. Khi có thông tin hoặc yêu cầu về vận chuyển chưa được đáp ứng, đề nghị hành khách hãy liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của các Sở hoặc Tổng cục ĐBVN. Chúng tôi sẽ kịp thời giải quyết.

PV: Kinh nghiệm gần đây cho thấy, giải pháp căn bản nhất để giải quyết tình trạng nhồi nhét khách là tăng mạnh nguồn cung về xe khách trong dịp Tết, đúng theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, ngay trong cuộc họp về công tác thanh tra mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã đặt vấn đề liệu có tình trạng o ép trong việc cấp lệnh cho xe tăng cường, dẫn đến tình trạng nhồi nhét khách hay không. Xin lãnh đạo Tổng cục cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Việc tăng cường phương tiện và cấp phù hiệu tăng cường cũng đã được quy định rất rõ tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, việc chuẩn bị tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách đã được các Sở GTVT lập kế hoạch, công tác chuẩn bị được thực hiện khá kỹ và đầy đủ. Các địa phương đều có bố trí cán bộ trực để thực hiện cấp phù hiệu tăng cường ngay khi có nhu cầu, thậm chí một số địa phương có phương án bố trí cán bộ trực tại các bến xe có lưu lượng khách lớn để thực hiện cấp phù hiệu và điều hành phương tiện tăng cường, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vận tải và đảm bảo việc giải tỏa khách được kịp thời.

PV: Ngoài vấn nạn nhồi nhét khách, thì cũng có không ít nhà xe ngang nhiên vì lợi nhuận mà dừng đón trả khách, thậm chí bán khách dọc đường. Trong trường hợp này, hành khách nên phản ánh về đâu, qua số điện thoại nào để vừa truyền đạt được thông tin, vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân khỏi sự dọa dẫm của nhà xe? Lãnh đạo Tổng cục có thể chia sẻ, tỷ lệ phản ánh của người dân được xử lý trong dịp Tết 2015 là bao nhiêu?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Khi có các hiện tượng nhồi nhét khách, bán khách dọc đường, thu tiền cao hơn giá vé niêm yết hoặc các vi phạm khác; để đảm bảo an toàn cho hành khách khi đang đi xe, chúng tôi đề nghị hành khách nhắn đầy đủ thông tin về biển số xe, nội dung vi phạm vào số điện thoại đường dây nóng 0913432383. Chúng tôi xin khẳng định, toàn bộ các thông tin phản ánh của hành khách sẽ được kiểm tra, xác minh và chuyển đến các lực lượng chức năng để xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của hành khách đi xe.

Tổng số cuộc gọiđếnđường dây nóng 0913432383 từ ngày 14-2 đến ngày 22-2-2015 là 135 cuộc gọi, nội dung phản ánh chủ yếu là về giá vé cao hơn so với ngày thường, chở qua số khách cho phép... Các nội dung phản ánh chủ yếu tập trung từ phía Nam ra phía Bắc và từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ.

Sau khi tiếp nhận chúng tôi đã chuyển thông tin cho các Sở GTVT, Phòng CSGT và một số bến xe có liên quan để kiểm tra, xử lý. Trong đó, tổng số cuộc gọi đã chuyển cho các Sở GTVT xác minh và xử lý là 75 cuộc, chủ yếu phản ánh về thu giá cao hơn so với ngày thường và thu giá vé cao hơn so với giá niêm yết. Các Sở GTVT đã xử lý và yêu cầu trả lại ngay tiền thu vượt của khách so với giá niêm yết 32 trường hợp, còn lại 43 trường hợp tăng so với ngày thường do phụ thu lệch chiều. Tổng số cuộc gọi chuyển cho Phòng CSGT các địa phương xử lý là 18 cuộc, chủ yếu là các trường hợp chở quá số khách và bán vé cao hơn giá niêm yết.

PV:  Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cũng từng thừa nhận các số đường dây nóng của Ủy ban ATGT công bố, phần lớn là của các lực lượng gián tiếp. Các số máy này thực tế là làm nhiệm vụ truyền tin, đốc thúc các lực lượng chức năng xử lý. Phải chăng ở đây có sự phối hợp chưa chặt giữa các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin người dân?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Trong thời gian qua, đường dây nóng của Tổng cục đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân. Tổng cục ĐBVN đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, Tổng cục ĐBVN thực hiện ngay việc kiểm tra trên hệ thống giám sát hành trình để xác định vị trí của phương tiện do người dân phản ánh, đồng thời thực hiện cung cấp thông tin cho các Trưởng phòng CSGT địa phương nơi phương tiện đang hoạt động và đề nghị kiểm tra, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN cũng chuyển thông tin do người dân phản ánh đến Sở GTVT nơi quản lý phương tiện để tiếp tục xác minh và xử lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng, lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT trong thời gian qua đã phối hợp tốt trong quá trình xử lý thông tin qua đường dây nóng của Tổng cục, hầu hết các trường hợp phản ánh đều được kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.

PV: Không ít hành khách là công nhân nghèo ở các khu công nghiệp phải làm đến những ngày cận Tết. Và họ rất vất vả để tìm được một chuyến xe về quê. Liệu Tổng cục ĐBVN có phương án gì để gắn kết giữa nhu cầu của công nhân với doanh nghiệp vận tải?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Việc tổ chức cho hành khách là công nhân nghèo ở các khu công nghiệp về quê ăn Tết đã được Tổng cục ĐBVN chỉ đạo giải quyết trong nhiều năm. Theo đó tại các địa phương có khu công nghiệp lớn, có số công nhân có nhu cầu đi lại cao, trực tiếp các Sở GTVT đều đến làm việc với đại diện của Khu công nghiệp, lập kế hoạch để bố trí các doanh nghiệp có xe hợp đồng đưa và đón công nhân về quê. Tại Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… đều đã và đang thực hiện tốt.

PV: Thời gian qua, Tổng cục ĐBVN đã tăng cường xử lý một số vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình. Thế nhưng, nhiều tỉnh, thành, doanh nghiệp chưa thật sự nỗ lực phối hợp xử lý nghiêm vấn đề này. Để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, Tổng cục ĐBVN sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Có thể nói, trong năm 2015, công tác theo dõi, chấn chỉnh, xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã được các địa phương rất quan tâm và chú trọng. Các đơn vị kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe đã có ý thức hơn rất nhiều trong quá trình điều khiển phương tiện đúng tốc độ, đảm bảo an toàn giao thông. Hằng tháng, Tổng cục ĐBVN đều có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thông báo kết quả tổng hợp vi phạm của từng địa phương. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Bính thân 2016, Tổng cục ĐBVN cũng đã có Văn bản số 159/TCĐBVN-VT yêu cầu các địa phương phải bố trí cán bộ trực để thực hiện việc theo dõi, chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các trường hợp vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; theo dõi chặt chẽ hoạt động đối với các phương tiện tăng cường để vận chuyển hành khách trong dịp cao điểm phục vụ Tết và Lễ hội Xuân năm 2016. Đồng thời, thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các trường hợp lái xe vi phạm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp lái xe cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hằng ngày chúng tôi cũng sẽ tổng hợp danh sách các phương tiện vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

PV: Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.