Khó xử lý xe khách giả danh xe hợp đồng

Thứ Ba, 28/03/2017, 08:52
Do nhu cầu lớn, lại chạy vào những khung giờ “hot” nên loại hình xe khách trá hình xe hợp đồng ngày càng nở rộ. Những chiếc xe này chạy vòng vo quanh thành phố đón khách hoặc đón khách ở những tụ điểm đã trở thành thân thuộc với nhiều người. Hà Nội xử lý với loại xe này chủ yếu chỉ ở lỗi dừng đỗ đón trả khách trái phép, còn bắt tận tay xe hợp đồng chở khách tuyến cố định là rất ít.

Núp bóng xe VIP hợp đồng để chạy tuyến cố định

Trên đường phố Hà Nội hiện có rất nhiều chiếc xe Limousine sơn màu đen hoặc đỏ đưa đón khách tại nhà, hoặc đón trả ở một số điểm cố định. Đây là loại hình xe khách VIP đang thịnh hành tại Hà Nội đi một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng… với giá vé đắt hơn gấp đôi so với xe khách thông thường. Loại xe này từ 16 chỗ đã được cải tiến lại thành xe VIP 9 chỗ ngồi hạng sang.

Một số hãng xe khách nổi tiếng đã phát triển loại hình xe hợp đồng này để đón đưa khách trong nội thành Hà Nội đi một số tỉnh và ngược lại. Tuy tiện lợi cho các hành khách nhưng lại gây ra bất lợi về giao thông đô thị, nhưng để “bắt tận tay” xe chở khách cố định lại là điều không hề đơn giản khi nhà xe đều trưng ra “hợp đồng” với khách.

Loại trá hình thứ hai đã tồn tại hơn chục năm là xe hợp đồng 16 chỗ chạy từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại. Đây là loại xe chạy sớm đón tận nhà từ các tỉnh về Hà Nội, phần lớn phục vụ khách quen, khách đi Hà Nội khám chữa bệnh, đi học và làm việc. Chỉ khoảng 6h, xe đã từ các tỉnh về đến Hà Nội, sau đó đi từng nhà để trả khách. Vì đi vào giờ sáng sớm nên ít khi bị lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT phát hiện, xử lý. Đến khoảng 10h, xe này lại vòng vo trong nội thành đón khách chiều về.

Loại xe này ngày càng nở rộ và cạnh tranh gay gắt do cung vượt cầu. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, loại xe 16 chỗ đưa đón khách trong nội thành đã phát triển chuyến sớm từ Hà Nội đi một số tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa… Gọi vào số điện thoại của “Xe Hà Nội cao tốc”, chúng tôi được xe này đón tận nhà để đi Quảng Ninh. Xe chạy từ Hà Nội đi lúc hơn 3h sáng, vừa ngồi vào ghế chúng tôi đã được phụ xe “chị cho xin tên” để điền vào tờ giấy “hợp đồng”.

Nhà xe dặn: “Nếu có người hỏi thì chị nói giúp là chị thuê xe hợp đồng với chúng em nhé”. Xe này chạy đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nên thời gian đi từ Hà Nội tới Quảng Ninh chỉ mất có hơn 2 giờ với giá vé khá mềm: 120.000 đồng.

Để đáp ứng cho dòng khách cao cấp, một số hãng xe đã cho ra đời loại hình xe 7 chỗ phục vụ tận nhà với giá vé từ 270.000 - 290.000 đồng/vé (tùy số ghế) đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Dòng xe này luôn “cháy” xe vì nhu cầu lớn.

Một xe khách trá hình xe hợp đồng chạy trên phố Hà Nội.

Xử lý xong, lại vi phạm

Theo phản ánh của người dân thì hiện nay Hà Nội đã hình thành lên một số tụ điểm đón trả khách của loại hình xe 16 chỗ chạy “xuyên tâm” như Lương Yên – Nhà hát lớn – Bệnh viện 108; Trung Kính - Big C Thăng Long – Khuất Duy Tiến; Mỹ Đình-Ngã Tư Sở…

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra GTVT Hà Nội đã rà soát các tụ điểm dừng đỗ đón trả khách trái phép và thường xuyên đón trả khách trên địa bàn. Thanh tra cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, các văn phòng đại diện, các điểm giao dịch ký cam kết. “Tụ điểm đón trả khách trên đường Khuất Duy Tiến mấy tháng nay lực lượng liên ngành đã cử người đứng chốt, khiến cho tình trạng dừng đón trả khách đã giảm bớt”.

Kinh doanh vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Chính vì lẽ đó, việc xe khách trá hình xe hợp đồng chạy lòng vòng “gom” khách trong nội thành Hà Nội đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Anh Nguyễn Quang Thắng, nhà xe chạy tuyến Hà Nội-Nam Định bức xúc: “Xe tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về đăng ký luồng tuyến, hành trình vận tải, giờ xe xuất bến; xe tuyến cố định phải nộp 10% thuế VAT, nộp đủ các loại phí bến bãi, phí dịch vụ và nộp bảo hiểm cho hành khách công khai trên vé xe. Còn xe khách trá hình thuộc loại ba không (không nộp thuế giá trị gia tăng; không mất lệ phí bến bãi; không mua bảo hiểm cho hành khách). Hành vi đó thể hiện rõ sự cạnh tranh trục lợi, kiếm lời phi pháp”.

Như vậy, để đảm bảo hoạt động kinh doanh vận tải lành mạnh cũng như giữ gìn trật tự an toàn giao thông đô thị, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những giải pháp để ngăn chặn hoạt động của các loại xe khách trá hình xe hợp đồng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng TTGT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt hơn 1.480 trường hợp vận tải hành khách. Riêng đối với các xe chạy tuyến cố định là 648 trường hợp còn xe chạy hợp đồng là gần 400 trường hợp. TTGT Hà Nội cũng đã tước giấy phép lái xe 101 trường hợp, tạm giữ 14 phương tiện. Những lỗi vi phạm chủ yếu là xe chạy tuyến cố định nhưng chạy sai luồng tuyến; dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng nhưng không có hợp đồng, vẫn bán vé cho khách…

Nói về việc xử lý xe khách trá hình xe hợp đồng lưu thông trong nội đô gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị, ông Trần Đăng Hải cho biết, việc xử lý những xe này khó bởi hành khách thường “vào hùa” với nhà xe nói rằng đã ký hợp đồng. Hoặc nếu có phát hiện và xử lý vi phạm về lỗi xe hợp đồng nhưng không có hợp đồng, vẫn bán vé cho khách thì sau đó, các xe này tái phạm với thủ đoạn tinh vi hơn.

Tr.Hằng-Ng.Hương
.
.
.