Hàng loạt nhà xe phản đối điều chuyển luồng tuyến vì phí cao, vắng khách

Thứ Tư, 01/03/2017, 08:08
Sáng 28-2, hàng chục xe khách chạy các tuyến Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định..., thuộc diện điều chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm đã đồng loạt có hành động phản đối chủ trương sắp xếp lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh (VTKLT) của TP Hà Nội. 


Từ sáng sớm, khoảng 50 xe của nhiều doanh nghiệp (DN) đang khai thác VTHKLT tuyến Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định đã tập trung, không nhận chở khách, đi xe không theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ lên Hà Nội. Tuy nhiên, do các xe này không thực hiện nhiệm vụ vận chuyển khách nên không được phép đi vào nội thành Hà Nội. 

Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã có mặt kịp thời để kiểm soát tình hình. Trước bức xúc của DN, trưa 28-2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có mặt tại trạm thu phí Pháp Vân để trao đổi với các doanh nghiệp. 

Theo ông Vũ Văn Viện, đối với một số kiến nghị của doanh nghiệp, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản trả lời đầy đủ. Hơn nữa, vừa qua Thủ tướng cũng rất quan tâm và giao cho Bộ GTVT và Hà Nội họp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-3.

Các nhà xe “nằm chờ” trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách là chủ trương của thành phố Hà Nội, mà mục tiêu lớn nhất là giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3, đảm bảo lợi ích chung. 

"Chúng tôi rất hoan nghênh đa phần các doanh nghiệp đã thực hiện điều chuyển kịp thời, nghiêm túc, theo đó tình hình ùn tắc trên tuyến vành đai 3 đã giảm. Chúng tôi ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình điều chuyển luồng tuyến phải thay đổi phương án kinh doanh, một bộ phận khách quen trước đây bị giảm. Chúng tôi đang tiếp tục cùng các doanh nghiệp xem xét để tìm ra phương án tốt nhất", ông Vũ Văn Viện cho hay. 

Theo đó, trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết về chủ trương điều chuyển luồng tuyến; rà soát đảm bảo kết nối xe buýt để phục vụ nhân dân đi lại giữa các bến xe và làm việc với các doanh nghiệp để tìm biện pháp giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chuyển đổi. 

Sau cuộc đối thoại ngắn vào trưa 28-2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp đưa xe về để tránh gây ảnh hưởng đến ATGT trên tuyến nhưng đến chiều 28-2, hàng chục xe vẫn “nằm lì” tại trạm thu phí Pháp Vân (Thường Tín), không chịu di chuyển. 

Ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty CP Du lịch thương mại và Đầu tư Thiên Trường (chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội, Nam Định - Hà Nội) cho biết, từ ngày 2-1, toàn bộ xe của doanh nghiệp đã về bến Nước Ngầm để hoạt động. “Nhưng từ ngày về đây, xe thường xuyên phải xuất bến chạy rỗng, không có khách, thậm chí cả  dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2017 vừa qua. Đáng nói, phí ở bến Nước Ngầm quá cao. Trung bình 1 chiếc xe 30 chỗ xuất bến là 70.000 đồng/lượt. Và xe chỉ được đỗ trong bến 9-10 phút, sau đó bị bến “đuổi” ra ngoài bến tạm ở đường Trần Thủ Độ để đỗ. 

Tại đây, bến này lại thu của nhà xe 50.000-100.000 đồng/lượt đỗ”. Theo ông Ngọc, doanh nghiệp phải thuê quầy bán vé tại bến xe Nước Ngầm với diện tích chưa đầy 2m2 mà phải trả 18 triệu đồng/tháng. Còn ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La, chạy tuyến Thái Bình - Nước Ngầm cho biết, sau 2 tháng chuyển về bến xe Nước Ngầm, 6 xe của doanh nghiệp hằng ngày xuất bến không có khách, trong khi lại còn phải chịu chi phí cao. 

“Trung bình mỗi xe 1 tháng doanh nghiệp đang chịu lỗ 18-20 triệu đồng. Và 6 xe là hơn 100 triệu đồng/tháng, chúng tôi hết khả năng chịu rồi”, ông Nguyễn Sơn La nói. Được biết, chiều 1-3, Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục đối thoại với các doanh nghiệp thuộc diện phải điều chuyển luồng tuyến.

Đặng Nhật
.
.
.