Sẽ đấu thầu "lốt" tuyến vận tải hành khách quan trọng?
Từ 1/1/2016, Thông tư số 60 thay thế Thông tư số 63/2014, quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực. Không còn chấp thuận tuyến, tức là sẽ bỏ được cơ chế “xin-cho”, tiêu cực sẽ được hạn chế. Thế nhưng, chất lượng dịch vụ vận tải khách có thực được nâng lên hay không, doanh nghiệp làm sai ai chịu trách nhiệm… vẫn là những vấn đề mà người dân đang trông chờ vào thực tế.
Sẽ bỏ thủ tục rườm rà
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp (DN) muốn kinh doanh phải làm hồ sơ xin chấp thuận tuyến của Sở GTVT. Khi đó, hai Sở GTVT ở hai đầu tuyến đã xin ý kiến nhau chán chê, nhưng DN chưa chắc được chấp thuận vì đủ lý do. Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư số 60 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), các Sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe. Các DN căn cứ trên biểu đồ sẽ biết được lốt xe nào còn trống để đăng ký và nếu có hồ sơ hợp lệ, thì đương nhiên được quyền vào khai thác, chứ không cần có sự chấp thuận của các Sở GTVT như trước.
Như vậy, các DN sẽ chỉ cần nộp hồ sơ và xin cấp phù hiệu để tham gia đầy đủ vào tuyến và đã bỏ được một thủ tục không cần thiết.
Để bảo đảm công khai, minh bạch trong việc đăng ký, lựa chọn khai thác tuyến, Thông tư số 60 quy định rõ: Sau khi Sở GTVT tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai thác tuyến, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở GTVT phải kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo phải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT việc DN, HTX đăng ký khai thác tuyến thành công, hoặc không thành công.
Trường hợp đăng ký khai thác tuyến không thành công, Sở GTVT phải thông báo bằng văn bản cho DN, HTX và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của DN, HTX đăng ký đầu tiên mà có từ 2 DN, HTX trở lên (tính cho cả hai đầu tuyến) đăng ký khai thác trùng tuyến và giờ xe chạy, trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo, Sở GTVT hai đầu tuyến phải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử và thông báo bằng văn bản cho DN, HTX biết việc tổ chức lựa chọn DN, HTX khai thác tuyến theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Trường hợp chỉ có 1 DN, HTX đăng ký khai thác tuyến thành công, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đăng ký thành công được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT, DN, HTX đã đăng ký thành công nộp hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định về Sở GTVT. Hết thời hạn trên, nếu DN, HTX không nộp hồ sơ, coi như DN, HTX tự hủy bỏ đăng ký.
Từ 1/1/2016: Hoạt động luồng tuyến của doanh nghiệp vận tải khách sẽ được “đấu thầu”. |
Sở GTVT vẫn giữ vai trò quản lý và giám sát chính
Trước đó, hầu hết các Sở GTVT đều cho rằng, việc bỏ chấp thuận 2 đầu tuyến sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thời gian tổ chức đấu thầu theo quy định có thể còn kéo dài hơn so với thủ tục chấp thuận luồng tuyến hiện nay, đó còn chưa kể, sau công bố kết quả trúng thầu có thể xảy ra kiện cáo. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, vận tải khách liên tỉnh hiện rất phức tạp, do đó, cần xem xét một cách thận trọng việc bỏ chấp thuận luồng tuyến.
“Không có chấp thuận luồng tuyến, thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, đơn vị nào sẽ cấp phù hiệu tuyến cố định, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp làm sai?”, ông Bùi Danh Liên đặt vấn đề. Trước đó, tại cuộc họp ở Sở GTVT Hà Nội về vấn đề vận tải khách, ông Lưu Hồng Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội cho rằng, quy hoạch luồng tuyến phải căn cứ vào thị trường, tức là lượng khách đi lại trên tuyến.
Quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia khai thác trên một luồng tuyến sẽ dẫn đến cung vượt cầu. Trong khi đó, trái ngược với các ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN cho rằng, việc bỏ chấp thuận tuyến là bước đột phá để tạo điều kiện cho các DN, HTX kinh doanh vận tải phát triển. Theo ông Thanh, cái khác cơ bản của quy định bỏ chấp thuận tuyến lần này, là việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải.
Theo đó, anh đăng ký vào tuyến là đăng ký vào các tài, lốt, chuyến xe mà chưa có đơn vị khác khai thác (còn trống) mà cơ quan quản lý Nhà nước đã công bố. Như vậy là chỉ có tài, lốt nào chưa có đơn vị khai thác, các DN mới được đăng ký. Sau khi DN đó đăng ký 3 ngày mà không có đơn vị nào đăng ký, coi như đăng ký đó thành công. Khi đó, DN sẽ thực hiện đầu tư phương tiện, đến Sở lấy phù hiệu và ký hợp đồng với các bến xe. Đây là một quy trình đảm bảo không gây ra sự rối loạn.
Nói về việc “đấu thầu” luồng tuyến vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đồng tình với việc bỏ chấp thuận tuyến. Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, nếu bỏ mà không có cơ chế quản lý sẽ gây hỗn loạn. Hiện chúng ta mới chỉ quy hoạch trên tuyến, còn chưa quy hoạch lưu lượng trên tuyến. Trong khi lưu lượng biến động hằng ngày, nên việc điều chỉnh của Sở vẫn rất cần.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, trong ngày 4/11, sẽ trình bày dự thảo quy trình lựa chọn khai thác tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định lấy ý kiến các doanh nghiệp. Trong quá trình lựa chọn, Sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc lập tổ chấm điểm, và thực hiện đúng quy trình. Đối với tuyến vận tải nào đã thực hiện tốt thì thôi, còn tuyến nào quan trọng mà doanh nghiệp không chấp hành tốt, bị thu hồi “lốt”, thì “lốt” này sẽ được mang ra đấu thầu lại công khai.