Hà Nội chỉ hạn chế chứ không cấm xe máy

Thứ Ba, 25/07/2017, 09:04
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV vào sáng 24-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội không chủ trương cấm xe máy mà chỉ hạn chế xe máy đi vào vùng trung tâm từ năm 2030. Hơn nữa, việc hạn chế sẽ theo một lộ trình khoa học.

Nhiều cử tri băn khoăn về đề án quản lý phương tiện cá nhân của Hà Nội, đặc biệt là việc hạn chế xe máy. Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu: Hiện hạ tầng giao thông kém, người dân còn khó khăn và đa số đi xe máy; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, tuyến buýt nhanh đầu tiên Kim Mã – Yên Nghĩa không hiệu quả; mật độ dân số tăng cao, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô ngày càng nhiều…

“Nếu cấm xe máy người dân đi lại bằng gì? Cấm xe máy chẳng khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu đi ôtô”, ông Toán nói và kiến nghị cơ quan chức năng cần khảo sát số lượng xe máy của từng gia đình, có lộ trình loại bỏ xe cũ nát, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân và quản lý ôtô cá nhân như đối với xe máy.

Hà Nội chỉ hạn chế xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng được người dân.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng đa số người dân đang sử dụng xe máy, do vậy nhà chức trách không nên cấm triệt để mà “hạn chế dần dần”..

Bày tỏ quan điểm về những ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện nghị quyết về quản lý phương tiện cá nhân, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (metro) và đã được Thủ tướng đồng ý; hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước cho biết sẽ đầu tư vào các dự án metro của Hà Nội theo hình thức đối tác công tư PPP. Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng, sớm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng...

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc thành phố cấm phương tiện tại khu vực tổ chức không gian đi bộ Hồ Gươm thời gian qua cũng là bước thí điểm  hạn chế phương tiện cá nhân tại khu vực trung tâm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm, đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm thêm ít nhất từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy.

Ngoài vấn về giao thông thì nhiều cử tri cũng bày tỏ ý kiến về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố thời gian qua. Cử tri Nguyễn Minh Hương (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đánh giá, thời gian qua, bên cạnh hoạt động nòng cốt của các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội, tinh thần tự quản của nhân dân, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng đó, hệ thống camera ở các tuyến phố, khu dân cư đã hỗ trợ hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự. Cử tri kiến nghị thành phố đẩy nhanh việc nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera khép kín trên toàn thành phố, giúp nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu, trả lời các kiến nghị của cử tri một số vấn đề bức xúc như việc làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang; bất cập trong việc quản lý vỉa hè; nâng tầm các sản phẩm du lịch...

Ngọc Yến
.
.
.