Giao thông kỳ nghỉ lễ 2-9: Vẫn "điệp khúc" chặt chém, nhồi khách

Chủ Nhật, 04/09/2016, 08:14
Hơn 60 người thương vong trong ngày nghỉ lễ, hơn 40 trường hợp hành khách phản ánh về tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét khách… cho thấy thực trạng mất an toàn giao thông vẫn đang diễn ra trên nhiều tuyến đường.



7h30 sáng 2-9, đưa vợ con ra bến xe phía Nam mua vé về quê nghỉ lễ, anh Thái Sơn không khỏi bức xúc vì sự nhốn nháo ở đây. Vị khách này cho biết, hàng ngày vé từ Hà Nội về Nam Định chỉ bán với giá 80.000đ, nay tăng thành 85.000đ/người/vé. Điều này cũng chẳng có gì đáng nói lắm, vì ngày lễ cũng dễ thông cảm. Thế nhưng, điều làm anh Thái Sơn bức xúc nhất là việc nhà xe nhồi nhét khách ngay từ trong bến.

Đơn cử như trường hợp xe khách mang biển số 006.77 chạy tuyến Hà Nội- Kim Sơn (Ninh Bình) xe chỉ có 35 chỗ nhưng thực tế khi lên xe đếm sơ sơ cũng đã thấy chừng 50 khách, mà khách nào cũng là mua vé từ trong bến.

“Dường như có sự bắt tay giữa bến xe và các nhà xe, dẫn đến tình trạng xe nào xe nấy như nhồi nhét. Chỉ đến khi thấy xe có dấu hiệu chật, nhà xe mới vào bảo bến dừng bán vé, thì mới không thấy khách lên thêm”, hành khách Thái Sơn đặt nghi vấn.

Anh Sơn chia sẻ thêm, vì trong bến khách quá đông, tập trung cùng một thời điểm khiến giao thông tại bến xe Giáp Bát khá căng thẳng. Nhiều người mong mỏi tìm được một chỗ trên chuyến xe để kịp về quê phải đứng chực sẵn hoặc chen chúc, xô đẩy nhau lên xe, thậm chí đứng chờ sẵn trên đường Giải Phóng để bắt xe chứ không vào bến.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe cho hay, trong hai ngày nghỉ lễ vừa qua, đơn vị chưa từng nhận được phản ánh nào của hành khách về tình trạng chặt chém và nhồi nhét khách. Tuy nhiên với thông tin trên, bến xe sẽ cho kiểm tra lại. Nếu đúng như khách phản ánh, nhà xe nhồi nhét, chặt chém khách sẽ bị từ chối phục vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Cũng trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được hơn 40 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông. “Nội dung phản ánh bao gồm phản ánh thông tin về hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến xe, tình trạng nhồi nhét khách, tăng giá vé, ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường từ Hà Nội về Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình.

Hành khách chen nhau chờ đến lượt lên xe về quê.

Sau khi nhận được phản ánh trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các thông tin được phản ánh”, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định.

Liên quan đến tai nạn giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái cho biết thêm,  trong 2 ngày nghỉ lễ 2, 3-9, toàn quốc xảy ra 41 vụ, làm chết 20 người, làm 39 người bị thương. Đường bộ xảy ra 40 vụ, làm chết 19 người, bị thương 39 người. Đường sắt xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Đường thủy không để xảy ra tai nạn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung xử lý hơn 16.000 trường hợp vi phạm, kho bạc Nhà nước thu hơn 8 tỷ đồng, tạm giữ 74 ôtô, hơn 500 giấy phép lái xe các loại.

Trước đó, thông tin từ Cục CSGT cho biết, sau 15 ngày ra quân (từ 16-8 đến 31-8) thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội chào mừng ngày Quốc khánh 2-9, lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 47.314 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó chủ yếu là vi phạm trên lĩnh vực đường bộ, tạm giữ 260 ôtô, 6.342 mô tô và 2.677 giấy phép lái xe, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 25 tỷ đồng. Những vi phạm chủ yếu tập trung vào các lỗi đi sai phần đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, dừng dỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm…

Trọng tâm của đợt cao điểm này là việc lực lượng CSGT tổ chức ra quân tăng cường tuần tra, xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trên nhiều tuyến đường tại bốn thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Các điểm kiểm tra được đặt gần những khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến đường chính. Khung giờ xử lý vi phạm nồng độ cồn được chia làm hai ca, từ 11 giờ đến 14 giờ và 16 giờ đến 21 giờ hằng ngày, với mức phạt hành chính, hình phạt bổ sung tăng nặng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Các địa phương xử lý số trường hợp vi phạm điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn cao, như TP Hồ Chí Minh 607 trường hợp, Cần Thơ 613 trường hợp, Hà Nội 427 trường hợp, Đà Nẵng 438 trường hợp.

Nhằm tiếp tục duy trì đảm bảo ổn định tình hình TTATGT trong đợt kỷ niệm Quốc khánh 2-9, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong thời gian tới, lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra khép kín 24/24h, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và chủ động phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm trên các tuyến giao thông.

Tăng cường lực lượng điều tiết giao thông
ở các cửa ngõ để chống ùn tắc

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô trong ngày cuối kỳ nghỉ lễ (4-9), Phòng CSGT đã bố trí tăng cường lực lượng thường trực và ứng trực tại các nút giao thông trọng điểm; tham gia giải quyết kịp thời khi có ùn tắc giao thông xảy ra, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như 1A, 5, 6, 32; các tuyến đường vành đai, các trục chính ra, vào Thành phố; các bến xe (Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa), bến tàu, nhà ga có mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao. 

Đặng Nhật
.
.
.