Giá vé máy bay quá cao, nhiều người không thể “ăn Tết” trọn vẹn

Chủ Nhật, 21/10/2018, 08:40
Với giá vé máy bay Tết các hãng hàng không áp dụng trên chặng TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Hà Nội, Hải Phòng Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều người sẽ không thể có cơ hội đi máy bay về “ăn Tết” bởi thời gian nghỉ Tết chỉ 1 tuần, đi tàu xe về quê từ Nam ra Bắc đã mất 4 ngày; còn nếu đi máy bay để tận dụng thời gian nghỉ Tết lại khá đắt đỏ. Một gia đình 4 người nếu về quê và quay lại TP Hồ Chí Minh sau Tết, phải tốn ít nhất từ 25 triệu đồng...

Thời điểm giữa tháng 10, các hãng hàng không đều đã công bố kế hoạch mở bán vé đi các chặng bay nội địa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo công bố từ Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA), trong cao điểm Tết từ ngày 20-1-2019 đến 19-2-2019 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch), VNA sẽ cung ứng 1,4 triệu ghế trên các chặng bay nội địa, con số này tăng hơn 100.000 ghế so với cao điểm Tết năm ngoái.

Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) cũng đã mở bán tổng cộng gần 600 ngàn chỗ trên 3.210 chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp cao điểm Tết. Thời gian bay cao điểm Tết năm nay của Vietjet được tính từ ngày 22-1-2019 đến 18-2-2019 (17 tháng Chạp đến 14 tháng Giêng).

Cũng như 2 hãng trên, năm nay Vietjet cũng công bố mở thêm nhiều chặng bay mới, tăng cường thêm nhiều chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại, sum họp gia đình tăng cao của hành khách vào dịp lễ, Tết.

Theo thông tin về giá vé, chặng bay trên hệ thống bán vé điện tử của các hãng hàng không thời điểm này, giá vé phổ thông dịp Tết có mức giá cao nhất thuộc về hãng JP. Bất kể khách bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội là chặng có nhiều chuyến hay chặng từ TP Hồ Chí Minh về Vinh có cự ly ngắn hơn, thì giá vé các chuyến bay của hãng này hầu như được áp dụng đồng hạng ở mức 3,64 triệu đồng/lượt, áp dụng cho khách đi máy bay từ 15 tháng Chạp đến 30 Tết.

Giá vé hạng phổ thông dịp Tết có mức cao thứ 2 thuộc về VNA khi ngay trên chặng có nhiều chuyến bay hàng ngày là TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, trần giá vé ở mức 3,585 triệu đồng/lượt, áp dụng cho khách đi các chuyến bay từ ngày 25 tháng Chạp đến 30 Tết. 

Được đi máy bay về quê dịp Tết vẫn còn là mơ ước của nhiều hành khách.

Với hãng Vietjet, khách bay chặng TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội từ 25 đến 29 Tết, giá vé được hãng công bố đồng hạng ở mức 3,431 triệu đồng/lượt. Chặng TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Hải Phòng cùng thời gian trên, giá vé của Vietjet cũng ở mức tương tự.

Trước thông tin giá vé Tết đang được các hãng công bố trên hệ thống hiện nay, anh Nguyễn Văn Hoàng - một nhân viên văn phòng quê Bắc Ninh, đang sinh sống và làm việc tại thành phố lắc đầu ngao ngán: “Muốn đưa vợ con ra Bắc ăn Tết, đi tàu xe cho rẻ thì thời gian nghỉ Tết có hạn, với lại các cháu nhỏ quá vất vả. Còn đi máy bay, với mức giá vé hiện tại, cả gia đình về quê một chuyến rồi quay trở vào, tiền vé và tiền mua sắm, chi tiêu dịp Tết ít nhất cũng phải tốn cỡ 50 triệu đồng. Làm cả năm chỉ dành được chút tiền, Tết về quê một chuyến là hết, nên vợ chồng tôi đành chia nhau mỗi năm một người về hoặc phải “nhịn” vài Tết mới dám đưa cả nhà về quê một lần”.

Mua một vé máy bay, khách đã phải trả thấp nhất là vài chục ngàn đồng cho khoản lệ phí sân bay và khoản này được hiểu sẽ dùng vào việc duy tu, bảo dưỡng hạ tầng nhà ga để phục vụ hành khách. Còn chi phí để làm hạ tầng đường lăn, sân đỗ, đường băng đã có ngân sách Nhà nước chi, các hãng hàng không chỉ gói gọn trong chi phí vận chuyển.

Mùa thấp điểm, khách mua vé của JP và Vietjet các chặng trên thường chỉ phải chi trả ở mức trên dưới 1,5 triệu đồng/lượt; vé của VNA ở mức trên dưới 2 triệu đồng nhưng các hãng vẫn có lãi để đảm bảo hoạt động. Nhưng khi vào mùa cao điểm Tết, hầu hết các chuyến bay đều đầy khách, các hãng hàng không đã đẩy giá vé lên cao hơn gấp 2 lần, loại bỏ cơ hội được đi máy bay về quê trong dịp nghỉ Tết ít ngày của nhiều người dân các tỉnh miền Trung và phía Bắc đang sinh sống, làm việc ở TP Hồ Chí Minh với lý do để bù đắp chiều rỗng.

Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không tính toán, chi phí cho 1 giờ bay của máy bay A320 chỉ vào khoảng 6.000 USD. Điều này là có cơ sở khi giá dầu jet A1 bán tại sân bay Tân Sơn Nhất những năm qua chỉ quanh mức 10 ngàn đồng/kg. Bay một vòng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài rồi quay về, máy bay A320 chỉ tiêu thụ không quá 6 tấn dầu trong điều kiện thời tiết tốt. Bay một vòng các chặng trên, thời gian bay khoảng 3 giờ 30 phút, hãng hàng không chi phí hết 21.000 USD, tương đương với khoảng 460 triệu đồng.

Các chuyến bay Tết đều đầy khách, chỉ cần một lượt bay ra có khách, lượt vào bay rỗng, thì các hãng khai thác tàu bay A320 không có khoang VIP đã bán được 180 ghế. Với giá vé trên, một lượt đầy khách hãng đã thu về khoảng 630 triệu, đó là còn chưa kể khoản thu không nhỏ từ một vài tấn hàng hóa mỗi chuyến trong hầm hàng máy bay với giá cước vận chuyển từ lâu đã ở mức trên 20 ngàn đồng/kg.

Thực tế cho thấy, giá vé máy bay những năm qua đã được Cục Hàng không và Bộ GTVT kiểm soát bằng biện pháp cho áp dụng trần giá vé. Song, dù được áp dụng trần giá vé, thì giá vé máy bay của các hãng càng tăng cao trong mỗi dịp cao điểm lễ, Tết. Do đó, cần căn cứ vào thực tế giá vé máy bay nhiều thời điểm trong năm và chi phí thực tế hoạt động của hãng hàng không để giá vé máy bay dịp Tết tăng ở mức vừa phải so với mùa thấp điểm đang là vấn đề đặt ra với chính các hãng hàng không và cả các cơ quan quản lý lĩnh vực này.

Đ.Thắng
.
.
.