Tăng giá dịch vụ điều hành bay, giá vé máy bay có tăng?

Thứ Sáu, 04/11/2016, 07:54
Cho rằng mức giá dịch vụ điều hành bay hiện nay thu không đủ bù chi, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa đề xuất tăng 15% giá dịch vụ này. Với việc tăng giá này, nhiều người sẽ băn khoăn liệu giá vé có bị tăng theo?

Trong công văn mới nhất do Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh cho biết: “Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa tại quyết định cũ đã được duy trì trong suốt 10 năm, từ ngày 1-1-2007 đến nay. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá này đang ở mức khá thấp, chỉ bằng 16-59%, tuỳ loại tàu bay và khoảng cách điều hành bay”. 

Phía VATM, bà Ngô Thị Quỳnh Hà, Kế toán trưởng Tổng công ty cho biết: Để đảm bảo doanh thu dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa của VATM đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ tương ứng (hoà vốn) thì mức giá này cần được điều chỉnh tăng 18% so với mức thu hiện tại. Và để VATM đạt được tỷ suất lợi nhuận 10% thì mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa cần được điều chỉnh tăng 30% so với mức giá hiện tại. 

Trước đó, trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Giám đốc VATM - ông Phạm Việt Dũng cho biết: Mức giá điều hành bay cũ được tính toán trên cơ sở so sánh với giá áp dụng cho chuyến bay quốc tế. 

Phí dịch vụ điều hành bay có tăng thì giá vé máy bay cũng sẽ khó thay đổi.

“Năm 2010, tỷ giá USD là 18,9 nghìn VNĐ/USD, tỷ lệ bình quân giữa giá điều hành bay quốc nội và quốc tế là 45% (dưới 250km) và 68% (trên 250km). Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD đã được điều chỉnh tăng đến 22,5 nghìn VNĐ/USD. Theo mức tỷ giá này, tỷ lệ bình quân giữa giá điều hành bay quốc nội và quốc tế đã giảm, chỉ còn tương ứng 38% và 57%” – ông Dũng cho biết.

Liên quan đến việc điều chỉnh các mức giá, khung giá dịch vụ hàng không nói chung, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo, rõ việc điều chỉnh giá là cần thiết cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào, lộ trình ra sao để đảm bảo không gây xáo động quá nhiều đến các doanh nghiệp cũng là vấn đề cần cân nhắc. 

Về vấn đề này, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ điều hành bay nội địa tăng 15% theo tính toán sẽ khiến doanh thu của VATM năm 2017 tăng khoảng 77,7 tỷ đồng. Phía các doanh nghiệp vận tải hàng không, nếu Bộ GTVT thông qua mức tăng 15% dịch vụ điều hành bay, năm 2017, Vietnam Airlines sẽ phải tăng chi 36,4 tỷ đồng, Vietjet tăng 29,1 tỷ đồng. Con số này với Jetstar Pacific là 10,6 tỷ đồng. 

“Cục Hàng không nhận thấy việc điều chỉnh mức giá dịch vụ này tăng 15% là phù hợp, tạo điều kiện để VATM bù đắp chi phí và tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tránh tác động gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không” – ông Thanh khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, theo đại diện Hãng hàng không Jetstar cho biết, việc tăng chi phí dịch vụ chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Mà nguồn bù quan trọng của doanh nghiệp hàng không chính là lượng vé bán ra. Tuy nhiên, tại thời điểm này, dù chí phí dịch vụ tăng thì giá vé máy bay rất khó tăng, do đó việc doanh nghiệp gặp khó khăn là không tránh khỏi. 

Vị này lý giải thêm, do thị trường cạnh tranh của các hãng hàng không là rất lớn, thời gian qua, các hãng đều mua thêm máy bay để tăng tải, giúp hành khách có nhiều sự lựa chọn và so sánh về giá vé trước khi quyết định đặt mua. Mặt khác, các hãng có tăng thì cũng không thể tăng quá giá trần được.

Trục xuất một hành khách Trung Quốc ăn cắp trên máy bay

Ngày 2-11, nhà chức trách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện trục xuất 1 hành khách người Trung Quốc về nước vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Đó là ông Dong Jiayin, 36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, là hành khách đi trên chuyến bay VN595 từ Hongkong đến TP Hồ Chí Minh hôm 1-11. 

Cụ thể, khi máy bay đang trong hành trình, ông Dong Jiayin (ghế ngồi 19D) đã đứng lên lấy va ly của một hành khách khác ra lục lọi. Tổ tiếp viên và hành khách gần đó đã kịp thời phát hiện nên ông Dong Jiayin chưa kịp lấy cắp đồ trong hành lý của người khác. 

Tổ tiếp viên đã lập biên bản vi phạm hành chính và cơ trưởng thông báo cho mặt đất tiếp nhận vụ việc khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn nhất lúc 17h15’ ngày 1-11. 

Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm quy chế xuất nhập cảnh đối với hành khách vi phạm. Hành khách Dong Jiayin được xác định là đã vi phạm Khoản 9 Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với lý do an ninh. 

Do đó, ông Dong Jiayin không nhập cảnh vào Việt Nam và bị trục xuất về nơi xuất phát trên chuyến bay gần nhất của hãng hàng không vừa chuyên chở đến TP Hồ Chí Minh.

Phạm Huyền

Đặng Nhật
.
.
.