Gia tăng số người chết trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Thứ Năm, 11/10/2018, 15:37
Số người chết trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã tăng 21,56% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước vẫn còn 3 tỉnh có số người tử vong do TNGT tăng trên 50%.


Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2018 diễn ra sáng 11-10 do Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì, thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, chỉ tính riêng trong quý III/2018, số người chết trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã tăng 21,56% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước vẫn còn 3 tỉnh có số người tử vong do TNGT tăng trên 50%.

Lấn đường là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-9-2018), toàn quốc xảy ra hơn 13.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 6.000 người... Trong 9 tháng, có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 19 địa phương giảm trên 10% số người chết. 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017.

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 137 người chết và 115 người bị thương. Riêng trong quý III/ 2018 đã xảy ra 14 vụ với 62 người chết. 

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam ngày 30-7 đã khiến 13 người chết

Vẫn còn tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ                              

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo ATGT, nhưng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Mới đây, 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lai Châu và Cao Bằng. Đáng chú ý, các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều liên quan đến xe chở khách, đến các “điểm đen”, nơi giao cắt nhau giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu (do người lái xe do chủ quan khi điều khiển phương tiện, mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định) còn có những yếu tố về điều kiện kết cấu hạ tầng, quản lý nhà nước, quản lý của chủ xe, ý thức của hành khách (không thắt dây an toàn). 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

“Tình trạng xe “xe dù, bến cóc”, vi phạm đường ngang trái phép có xu hướng gia tăng chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10% diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường địa phương, có dấu hiệu tái diễn trên các quốc lộ. Trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng vẫn còn tâm lý nể nang, còn tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ và cũng có nhiều vụ chống người thi hành công vụ. Những việc như trên chưa được xử lý kịp thời, Thủ tướng chưa nhận được báo cáo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong xử lý trách nhiệm đối với để xảy ra hành vi vi phạm đường ngang trái phép.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm, đánh giá đúng tình hình, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng để có giải pháp quyết liệt cơ bản giải quyết tình hình, không để xảy ra tình trạng tương tự, kéo giảm, kiềm chế TNGT trong thời gian tới.

Gia tăng TNGT giữa xe đang lưu thông và xe đang dừng đỗ

Theo báo cáo từ Bộ Công an, số lượng các vụ TNGT giữa xe đang lưu thông và xe đang dừng đỗ có xu hướng gia tăng. Năm 2016 xảy ra 36 vụ, năm 2017 xảy ra 42 vụ. 9 tháng đầu năm 2018 số vụ tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Phương tiện giao thông gặp tai nạn chủ yếu là mô tô, xe máy ( chiếm 86,1%). Đa số phương tiện dừng đỗ liên quan đến tai nạn là xe ô tô tải (chiếm 52,7%).

Cần quản lý chặt chẽ xe ôm công nghệ

Xe máy có vai trò quan trọng trong đời sống và đi lại của người dân hiện tại và trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, cần phải có sự quản lý chặt chẽ xe ôm công nghệ đang có xu hướng tăng nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… 



Mai Hương
.
.
.