Gánh nặng phí BOT và phát triển đường cao tốc

Thứ Bảy, 21/05/2016, 08:30
Tính đến nay, cả nước có khoảng 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, với 745 km đường cao tốc đã hoàn thành, có tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng, chủ yếu vay từ các ngân hàng thương mại, đang trả lãi từ nguồn thu phí đường BOT.

Việc này đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải (DNVT) kêu trời vì các trạm thu phí dày đặc bủa vây. Ông Lê Trọng Nhân - Giám  đốc một DNVT cho biết: "Mỗi năm DN chúng tôi đã nộp khoảng 17 triệu đồng phí bảo trì đường bộ, cộng thêm phí đã tính trên mỗi lít xăng, nay gánh thêm phí BOT đường bộ… còn lãi gì nữa”.

Theo quy định của Bộ Tài chính, khoảng 70km mới được đặt một trạm thu phí BOT, nhưng hầu như các đơn vị quản lý, thu phí cao tốc đặt trạm cách nhau khoảng từ 20 - 30 km/trạm. Phí chồng phí, phí dày đặc buộc nhiều tài xế phải trốn trạm phí lưu thông vào các đường hẻm, đường nhỏ để tránh phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức phí cao tốc Việt Nam đang thu khoảng 2.000 đồng/km) là rất thấp so với khu vực như: Trung Quốc (khoảng 3.300 đồng/km), các nước EU (khoảng 10.000 đồng/km)…

Tuy nhiên, thu  nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn cả chục lần so với các quốc gia khác thì không thể cho rằng phí cao tốc của chúng ta quá thấp. Đó là chưa kể đến chất lượng đường cao tốc Việt Nam chưa đảm bảo kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế, còn nhiều đoạn “đang chờ lún", đang lượn sóng trâu…

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự kiến phát triển 21 tuyến đường cao tốc với hơn 6.411km. Nguồn vốn đầu tư phát triển đường cao tốc chủ yếu là vốn vay ODA, nguồn vận động trái phiếu Chính phủ rồi bán bản quyền thu phí, và các nguồn khác… Gánh nặng phí BOT đang ngày càng dày thêm, chưa có dấu hiệu nhẹ bớt 

Hoàng Châu
.
.
.