Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam:

E ngại mức đầu tư lớn gây áp lực cho nền kinh tế

Thứ Ba, 13/11/2018, 08:05
Ngày 12-11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức chương trình báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. 


Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD, dài hơn 600km, được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh đường sắt hiện tại của nước ta đã quá lạc hậu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng tỏ ý e ngại bởi mức đầu tư của dự án quá lớn cũng như thời gian thực hiện dự án quá dài.

Đi qua 20 tỉnh, thành phố với vận tốc 320km/h

Theo báo cáo cuối kỳ Dự án nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được liên danh tư vấn công bố sáng 12-11, điểm đầu của dự án là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Thủ Thiêm, được kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị nội đô của 2 TP lớn. Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH và nhóm nghiên cứu của JICA cũng đã đưa ra nhiều phân tích về sự cần thiết cũng như mức độ cấp bách của dự án tỉ đô này.

Dự án đi qua 20 tỉnh, TP, có tổng chiều dài khoảng 1.545km, đường đôi - khổ 1.435mm - điện khí hóa; bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng, với các tiêu chí cụ thể về hướng tuyến, vị trí đặt ga, vị trí depot, trạm bảo dưỡng.

Theo đó, sẽ nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng tuyến mới để khai thác tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).

Tư vấn cũng đưa ra phân đoạn đầu tư để đảm bảo trong mức chịu đựng của nền kinh tế, cũng như không vượt trần nợ công. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai đầu tư xây dựng và đưa khai thác vào năm 2032 đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh, đoạn còn lại Vinh - Nha Trang sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2050.

Về hình thức đầu tư, bản báo cáo cuối kỳ được tư vấn đưa ra, sẽ theo hình thức đối tác công tư PPP, trong đó Nhà nước đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu.  Tiến độ Dự án cũng được đưa ra, tháng 11-2018 hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tổ chức thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước trong khoảng tháng 12-2018  đến 4-2019, Báo cáo các cấp có thẩm quyền từ tháng 5-2019 đến 7-2019; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình Chính phủ vào tháng 8-2019; Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 8-2019.

Trường hợp được Quốc hội thông qua sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ 2020 - 2025. Triển khai xây dựng từ 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên (bao gồm cả đoạn thử nghiệm) năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.

58 tỷ đô có thể khiến nợ công vượt trần

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng dự án có tổng mức đầu tư lớn và thời gian triển khai kéo dài đến 30 năm, do vậy liên danh tư vấn cần bổ sung phương án tối ưu nhất. GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, cần tính toán xem tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD đã là tối ưu nhất hay chưa, mức đầu tư này đã hợp lý chưa…? Ngoài ra, cũng nên xem lại phân kỳ đầu tư cần đến 30-40 năm mới hoàn thiện dự án là quá dài, một số nhà đầu tư tư nhân bày tỏ sự không mặn mà.

Tiến sỹ Vũ Hoài Nam (Đại học GTVT) nói, Việt Nam cần cân nhắc vì để làm được dự án thì nhà nước phải đi vay 100% với số tiền lên tới 58 tỷ USD và số vay này sẽ khiến nợ công vượt trần, nợ gốc và lãi hàng năm phải trả là rất lớn, gây áp lực lên nền kinh tế.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Khoa Đầu tư, Học viện Chính sách Phát triển cũng đưa ra băn khoăn, báo cáo này chưa đưa ra bài toán so sánh với các nước có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, mà chủ yếu đặt trong bối cảnh một số nước đã đi trước về kinh tế, khoa học công nghệ.

"So sánh như vậy chưa thực sự khách quan. Chúng ta thử nghiên cứu các nước phát triển thấp, nợ công trên dưới 60% GDP xem họ có đầu tư đường sắt gần 60 tỷ USD không?", Tiến sỹ Bình đặt câu hỏi.

Dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Ông Đông khẳng định, làm đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam hoàn toàn mới, trong khi đó nguồn lực đầu tư lại quá lớn, nếu không đầu tư theo hình thức PPP, có sự tham gia, chia sẻ rủi ro của Nhà nước thì không nhà đầu tư nào đủ năng lực kinh tế cũng như không mặn mà.

Giải thích về phân kỳ đầu tư kéo dài, ông Đông cho biết, nghiên cứu Dự án phân kỳ dài để đảm bảo tính khả thi. Trong khi đó, Dự án đầu tư cũng phải đảm bảo trần nợ công và trên cơ sở khả năng tổ chức thực hiện của Việt Nam.

Ngọc Yến
.
.
.