Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm sau 8 lần lỡ hẹn

Thứ Ba, 15/12/2020, 08:15
Tính đến nay, toàn hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chính thức vận hành thử được 3 ngày. “Hiện tại, các lái tàu cũng như các bộ phận khác đều đã dần quen công việc. Song để nghiệm thu và chính thức đánh giá về mức độ an toàn thì phải sau ngày 31/12”, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho hay.

Mỗi ngày vận hành thử 287 chuyến tàu cao tốc

Được biết, mỗi ngày toàn hệ thống vận hành 287 lượt để hoàn tất các công đoạn nghiệm thu, trước khi vận hành thương mại. Theo đó, trên tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13km, các chuyến tàu sẽ chạy liên tục từ 5h đến 23h cho đến ngày 31/12. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi chạy thương mại. Các đoàn tàu chạy tần suất 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Mỗi ngày sẽ có từ 6 đến 9 đoàn tàu hoạt động.

Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) đi tới ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội). Tốc độ trung bình 35km/giờ (thiết kế 80km/giờ), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở 960 hành khách. Trong giai đoạn 20 ngày chạy thử, các nhà ga đều có nhân viên người Việt Nam ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé, trên sân ga; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho hay, hơn 600 nhân viên sẽ chia 2 ca làm việc, vận hành các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khai thác thương mại. Hiện dự án đang trong thời gian có chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu lắp đặt thiết bị của dự án cũng có mặt trên tuyến để giám sát.

Bên cạnh đó, nhân viên Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) sẽ được diễn tập xử lý các tình huống, ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trước thời điểm vận hành thử toàn hệ thống, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành xây dựng gồm: 13,05km cầu cạn của tuyến đường sắt trên cao, toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu, toàn bộ 12 nhà ga kèm hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành, 16 depot (nơi quản lý, dừng đỗ và bảo dưỡng, sửa chữa toa tàu) cùng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh.

Dự án tiến hành nghiệm thu thành phần cho 5/5 chuyên ngành xây dựng, 9/11 chuyên ngành thiết bị, còn 2 chuyên ngành thiết bị công nghệ và đoàn tàu đang hoàn tất các thủ tục để nghiệm thu. Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I-2021, liên danh tư vấn độc lập dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Sau đó, Bộ GTVT (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, vận hành.

Đoàn tàu của dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm.

Sẵn sàng các kịch bản phục vụ người dân

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, ngoài những đánh giá chung của đơn vị thực hiện dự án, tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác, tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án này. Bộ GTVT dự kiến trong tháng 1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, sau đó bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Trước đó, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), cho hay, đơn vị đã lên 3 kịch bản kết nối giữa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với hệ thống xe buýt để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông công cộng. Kịch bản thứ nhất, trong 15 ngày đầu chạy miễn phí sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn.

Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí (đường sắt đô thị hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu) sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt. Kịch bản này phải bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với đường sắt Cát Linh - Hà Đông; bảo đảm theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau, hạn chế tới mức thấp nhất đối với hành khách hiện nay do xe buýt đảm nhận. Lộ trình đối với 4 tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bị điều chỉnh.

Sau 6 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (khu đô thị Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km). Sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới Bến xe Yên Nghĩa (9km)...

Kịch bản thứ ba là khi đoàn tàu gặp sự cố. Thành phố tính trước phương án này nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và ít ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Khi đó sẽ tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách…

Nhật Uyên
.
.
.