Dự án Cát Linh - Hà Đông: "Đừng để sai hẹn về đích lần thứ 9"

Thứ Ba, 03/11/2020, 15:24

Là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) khi thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngày 3-11.

Đại biểu cho rằng, việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được coi như giải pháp cứu cánh mang tính then chốt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án có khá nhiều vấn đề mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn, toàn tỷ USD nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần gây bức xúc dư luận. Như dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Nhổn - ga Hà Nội.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường.

Đề cập đến dự án Cát Linh - Hà Đông, ĐBQH Nguyễn Phi Thường đánh giá đây là dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có nhiều lần chất vấn Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Vừa rồi đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp chủ trì làm việc với Bộ GTVT và cùng thành lập Tổ công tác để tháo gỡ. Tuy nhiên, còn khá nhiều vướng mắc về thủ tục, thẩm quyền như kết luận của Kiểm toán nhà nước về thanh toán, nghiệm thu an toàn hệ thống.

Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận. Trong đó, cần đánh giá rút kinh nghiệm các dự án ODA về đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện trong Hiệp định vay ODA, nhất là việc lựa chọn chỉ định tổng thầu. Bên cạnh đó, việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khi đầu tư toàn tuyến chứ không chỉ đầu tư từng đoạn tuyến và tính kết nối liên thông là rất quan trọng...

Cũng đề cập đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng đây chính là minh chứng hiện hữu của việc lập kế hoạch dự án không sát với thực tế. Nhiều bộ ngành, địa phương cố lập kế hoạch, dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án, dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được.

Một số dự án cố triển khai trong khi thủ tục chưa hoàn chỉnh sát với thực tế nên khi hoàn thành không thể quyết toán, không thể bàn giao, nghiệm thu công trình. Từ đó, ông đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương.

Kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh.

Đối với các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai, đừng để "trái bóng trách nhiệm" đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi”.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt đô thị là một loại hình giao thông hiện đại, giúp chống ùn tắc giao thông rất hiệu quả ở các thành phố lớn và trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đều làm chủ đầu tư nhiều dự án.

"Tuy nhiên thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng Chính phủ đã chỉ đạo họp rất nhiều và các thành phố cùng với Bộ GTVT cũng đã họp rất nhiều. Qua những dự án hiện nay, chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Ông cho rằng, cần chú trọng vấn đề quy hoạch để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, cần phải lựa chọn được những công nghệ, những nhà thầu tốt, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của những dự án A, B, C, những dự án mà cần giải phóng mặt bằng sạch phải có những giải pháp rõ ràng, từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá.

Bộ trưởng Bộ GTVT xin tiếp thu những ý kiến của ĐBQH và dư luận xã hội, tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay. "Chúng tôi cũng khẳng định đây là hướng đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn và việc này cần phải có sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu phát triển", ông nhấn mạnh.

Bảo Quân
.
.
.