Hạ tầng đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngổn ngang, hệ thống kết nối chưa triển khai
- Bất động sản "thăng hoa" nhờ đường sắt trên cao
- Cận cảnh đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vừa về Việt Nam
Theo dự kiến, còn chừng 1 tháng nữa sẽ chính thức vận hành thương mại nhưng đến thời điểm này, đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn đang ngổn ngang các hạng mục phụ trợ, chưa có hệ thống kết nối. Với thực trạng hiện tại, nhiều người dân nghi ngại việc đưa các đoàn tàu chính thức hoạt động từ tháng 4 e là khó khả thi.
Thông tin từ Ban Quan lý Dự án Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, tính đến ngày 6-3, dự án đã hoàn thành hạ tầng tới 99%, các hạng mục thiết bị đã lắp đặt được 96%. Hiện các đơn vị đang nỗ lực cố gắng để đưa dự án vào hoạt động.
Cùng ngày, theo quan sát của phóng viên tại khu vực các ga Cát Linh, Thanh Xuân, Phùng Khoang... nhà thầu đã chăng dây thi công các hạng mục phụ trợ cuối cùng. Một số công nhân đang tiến hành dựng khung mái che khu vực cầu thang dẫn lên xuống nhà ga (depot).
Dù thời gian không còn nhiều, song khu vực hạ tầng tại các ga vẫn rất ngổn ngang. Hệ thống thang máy vẫn chưa lắp ráp xong, chưa có bảng điều khiển, hệ thống bóng điện tại tầng 1 các nhà ga vẫn đang đường điện chờ…
Hệ thống kết nối từ đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi các địa điểm khác trong thành phố vẫn chưa chính thức triển khai. Tại nhiều nhà ga như ga Thanh Xuân, khu vực rẽ sang Khuất Duy Tiến chưa có nhà chờ xe buýt. Dưới các nhà ga chưa thấy khu vực trông giữ xe…
Ga Cát Linh tầng 1 chưa hoàn chỉnh. |
Một người dân bán nước gần khu vực nhà ga Cát Linh trên đường Hào Nam cho hay: “Lần đầu tiên chúng ta có đường sắt trên cao, dân ai cũng háo hức, tò mò. Lần mở cửa cho dân vào thăm quan, tôi cũng đã vào tận bên trong để xem thấy mọi thứ rất hiện đại. Chúng tôi rất mong đến ngày được đi trên tuyến tàu đó nhưng nhìn bên ngoài mọi thứ vẫn còn ngổn ngang”.
Anh Phạm Quân, nhà ở (Quang Trung-Hà Đông) thì thắc mắc: “Nhà ở Hà Đông, nhưng tôi làm việc ở khu vực Nguyễn Thái Học. Nếu tuyến đường sắt này mà hoạt động, tôi đi lại sẽ rất tiện. Giá vé nếu như là 30.000đ/ ngày đi nhiều lần cũng không phải là quá cao. Song về sau liệu vé có tăng? Mặt khác, từ nhà ra khu vực này vẫn phải đi xe máy, mà không biết đơn vị quản lý hay vận hành nhà ga có bố trí điểm gửi xe cho khách hay không?”
Trao đổi về thắc mắc của người dân, ông Vũ Hồng Trường- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, nhằm tạo thói quen lần đầu tiếp cận đường sắt đô thị, tránh ùn ứ nên 15 ngày đầu tính từ ngày chính thức vận hành thương mại, người dân sẽ được đi miễn phí. Sau đó, khi dự án chính thức thu tiền, có 2 hình thức là trả tiền trực tiếp cho vé lượt, hoặc đi vé tháng (thẻ từ).
Mức giá vé đưa ra dựa vào 5 căn cứ gồm thu nhập và chi trả của người dân tính toán sao cho phù hợp. Mức trợ giá của Nhà nước đối với tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn đầu là hơn 50%. Đường sắt đô thị có điểm mới áp dụng giá vé theo chặng. Vé theo chặng xác định chính xác khách lên xuống ở các ga nhằm hoạch định quy hoạch tổ chức vận tải để không lãng phí nguồn lực xã hội.
Khi khách lên ga mua vé theo chặng sẽ có máy bán tự động và hiện số tiền trả, nạp tiền vào sẽ thả vé. Khi vào hay ra đều phải nhét thẻ vé qua cửa soát vé, đúng cửa mới ra đươc khỏi ga. Trong trường hợp đi quá số ga mà khách đã mua vé, cửa sẽ không mở và thông tháo cho hành khách biết việc phải trả thêm tiền tương ứng với số ga khách xuống. Trường hợp không trả, gian lận, Công ty sẽ có quy chế.
Vé tháng đồng hạng giống xe buýt nhưng khác là hết tháng coi như hết giá trị sử dụng. Người đi công tác về vào giữa tháng sẽ không mua nữa vì nếu đi 5-10 ngày sẽ không rẻ hơn so với vé lượt. Mua vé đông vì tập trung những ngày cuối và đầu tháng.
Riêng vé tháng đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ tính từ ngày bắt đầu mua cộng thêm 30 ngày. Hơn nữa, nếu hành khách đi một lượt giá vé theo chặng làm tròn, nhưng khách dùng thẻ ATM thanh toán thì sẽ trừ chính xác số tiền gốc chứ không tính giá tròn vé chặng. Giá vé này cao hơn xe buýt, dịch vụ tốt hơn, tốc độ lớn hơn gấp 2 lần so với xe buýt (đi hết 12 phút từ đầu ga Cát Linh-Hà Đông với tốc độ tàu 35km/h so xe buýt là 14-16km/h).
Liên quan đến vấn đề bố trí điểm kết nối giao thông giữa các loại hình với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho biết: “Quan điểm cá nhân là đường sắt đô thị giữa các loại hình (taxi, buýt, xe máy) không phải là cạnh tranh mà là anh em một nhà cung cấp những dịch vụ tối ưu và cần thiết đồng thời hạn chế xe cá nhân”.
Hiện, Hà Nội có 34 tuyến xe buýt đang vận hành kết nối dọc-ngang với đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh chỉ còn 1-2 tuyến trùng để phục vụ khách đi chặng ngắn hoặc không đi Metro, còn lại điều chỉnh kết nối ngang để chung chuyển hành khách, tối thiểu điểm dừng đỗ có 2-3 tuyến xe buýt kết nối ngang, Sở cũng kẻ vẽ biển báo điểm lên nhà ga metro; ưu tiên vỉa hè 500m trở lại để trông giữ xe cá nhân.