Dự thảo áp dụng màu sơn chung, phân vùng cho xe taxi

Chủ Nhật, 06/08/2017, 09:41
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đang lấy ý kiến cho Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự kiến được phê duyệt trong năm 2017.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có 77 hãng taxi với hơn 19.000 xe, vận chuyển 110 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 2% nhu cầu đi lại. Qua nhiều năm, dù đã đưa ra nhiều biện pháp, không cấp phép gia tăng phương tiện với taxi truyền thống nhằm giảm thiểu ùn tắc (trên thực tế xe taxi công nghệ lại tăng vùn vụt), siết chặt quản lý chống nạn gian lận cước, taxi “dù”… song dường như bài toán đưa taxi vào khuôn khổ vẫn chưa tìm ra được lời giải đích đáng.

Với Dự thảo quy chế lần này, Hà Nội đề xuất quy định niên hạn sử dụng của xe taxi là không quá 8 năm tính từ năm sản xuất. Xe taxi hết niên hạn sẽ không được hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Hàng năm, Sở GTVT sẽ tiến hành rà soát số lượng xe taxi đã được cấp phù hiệu, hết niên hạn sử dụng của xe taxi để làm căn cứ tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đấu giá quyền khai thác theo quy định. Các đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố phải đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

Hà Nội cũng dự kiến sẽ thống nhất màu sơn chung cho xe taxi vào năm 2018. Từ năm 2019 đến 2024, xe taxi mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ 2025 thống nhất áp dụng màu sơn chung với toàn bộ xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điểm đáng lưu ý trong dự thảo này là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng.

Cụ thể, vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách) được chia làm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội.

Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trình phương án kinh doanh lên Sở GTVT, trong phương án phải đảm bảo tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca…

Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động của taxi trên đường phố.

Trong 1 tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%. Cùng đó, xe taxi được dừng, đón, trả khách tại điểm đón trả khách cho xe taxi trong thời gian không quá 2 phút. Cũng theo dự thảo, từ 1-7-2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi. Dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành này phải được kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm quản lý điều hành giao thông chung thành phố…

Điều đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên đề xuất quản lý taxi theo vùng và mầu sơn ra đời. Năm 2012, nhiều đơn vị taxi đã thở phào nhẹ nhõm khi Hà Nội chưa áp dụng đề xuất này. Tuy nhiên, giờ đây, với sự cạnh tranh mạnh mẽ của loại hình taxi công nghệ, liệu động thái siết chặt này của cơ quan quản lý sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh taxi bình đẳng và chất lượng hơn?

Liên quan đến vấn đề thành lập trung tâm điều hành chung của các doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc này sẽ tạo nên mô hình bao cấp, trái với kinh tế thị trường và lo ngại khả năng nhân viên điều hành sẽ có hành vi “bắt tay” với doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách, tạo cơ chế xin cho. Sở GTVT Hà Nội cho rằng trung tâm điều hành chung sẽ điều tiết được số xe ở từng quận huyện, còn việc kết nối với hành khách là việc của các doanh nghiệp tự triển khai.

Ngoài các vấn đề nêu trên, doanh nghiệp taxi còn lo lắng phải đấu thầu quyền khai thác xe 8 năm một lần. Các hãng taxi truyền thống cho rằng, việc này sẽ khiến doanh nghiệp và người lao động khó yên tâm hoạt động bởi với mỗi đầu xe cứ 8 năm lại phải đấu thầu làm phát sinh chi phí rất lớn mà không biết có trúng thầu hay không, nếu trượt thầu, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu thành phố thông minh, bắt đầu bằng giao thông thông minh, chính vì vậy các đề xuất cũng phải chặt chẽ, và dựa trên thực tiễn để có thể thực hiện thành công mục tiêu đó.

Đặng Nhật
.
.
.