Dự án xe buýt nhanh - đầu tư 1.200 tỷ để "đắp bụi đường"
- Dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ ở Hà Nội: Méo mặt với cảnh ‘nhà nghèo" chơi hoang!
- "Ném" 1.000 tỷ vào dự án xe buýt nhanh: Quá lãng phí và không hiệu quả!
- Hàng loạt hầm đường bộ ở Hà Nội: Chưa sử dụng đã xuống cấp
Gần đây, một số cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc, phản ánh những bất cập của dự án. Đáp lại sự bức xúc của dư luận, các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn im lặng...
Trở lại thực trạng dự án, theo ghi nhận của Báo CAND, các hạng mục dự án buýt nhanh triệu đô đắp bụi đường, xuống cấp ngày càng trầm trọng vẫn đang tiếp diễn. Tình trạng xuống cấp thể hiện rõ nhất ở 21 nhà chờ xe buýt với số tiền đầu tư lên đến 2 tỷ/nhà chờ nằm chênh vênh trên dải phân cách giữa hai làn đường dọc theo lộ trình từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa.
Theo thông tin ban đầu của dự án, đây sẽ là những nhà chờ hiện đại với những tiện ích nổi trội như: nhà chờ khép kín với quạt mát; sàn nhà chờ xe buýt cao ngang bằng lối lên xe buýt tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lên, xuống xe, nhất là người khuyết tật; hệ thống cửa trượt tự động; trong nhà chờ sẽ có các bảng thông tin về tuyến, hành trình xe, các màn hình cung cấp những thông tin cần thiết cho hành khách…Nhà chờ xe buýt nhanh bị xe tải đâm bung mái đã lâu, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào sửa chữa. |
Thế nhưng, hình ảnh mà người đi đường phải chứng kiến thời gian dài là các nhà chờ cũ kỹ phủ bụi kín mít nằm trên dải phân cách. Những thanh chắn của nhà chờ hoen gỉ, cửa kính nhiều nhà chờ mở phanh, bên trong sàn đọng nước bẩn. Thanh chắn cửa, đầu mối dây cáp, dây điện gãy hỏng ngổn ngang. Thảm hơn, một số nhà chờ trên dọc đường Tố Hữu đã bị bung hỏng mái.
Chị Trần Thị Ánh, người dân sinh sống trên đường cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do vào buổi tối, các xe tải đi lại nhiều cọ vào làm mái nhà chờ bị bung hỏng.
Tương tự, hệ thống cầu vượt dành riêng cho hành khách đi xe buýt nhanh cũng không “khá” hơn. Tại cầu vượt trên đường Tố Hữu, những bậc thang lên xuống đỏ két vì hoen gỉ. Do chưa đưa vào sử dụng nên nhiều người dân đã vô tư lên cầu vượt ăn uống và xả rác khiến cầu vượt nhếch nhác, mất mỹ quan trầm trọng.
Là người trực tiếp khảo sát dự án xe buýt nhanh tại Hà Nội, chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT thì cho rằng, thời điểm này, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các thành phố khác chưa nên triển khai thực hiện dự án xe buýt nhanh.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, chỉ riêng việc thí điểm thực hiện dự án tại Hà Nội đã bộc lộ quá nhiều bất cập, thiếu sự tính toán cẩn trọng. Thứ nhất, việc chọn luồng tuyến, mặt cắt đường không hợp lý, nhiều tuyến đường trong lộ trình buýt nhanh có mật độ phương tiện dày đặc, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Chưa đưa vào sử dụng nhưng nhiều nhà chờ xe buýt nhanh đã cũ hỏng, bung mái, phủ bụi bên đường. |
Có thể khi khảo sát tuyến đường để xây dựng dự án cách đây gần chục năm thì lưu lượng phương tiện không quá đông như bây giờ. Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm, mỗi năm lượng phương tiện Hà Nội tăng từ 10-15%. Thứ hai, việc lựa chọn vị trí để đặt hệ thống xe buýt nhanh là giữa hai làn đường cũng không hợp lý.
Hiện nay, ý thức chấp hành các quy định Luật giao thông của người dân chưa cao. Đặt hệ thống xe buýt nhanh giữa hai làn đường một mặt bắt buộc phải xây dựng thêm các cầu đi bộ gây lãng phí đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Tiếp theo, với lộ trình từ Bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã, xe buýt nhanh sẽ chiếm diện tích mặt đường quá lớn khiến cho các phương tiện khác không có nhiều lối đi. Trong khi đó, công suất vận chuyển của buýt nhanh khó có thể bù lại so với diện tích mặt đường đã phải dành cho buýt nhanh.
Còn TSKH, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA thì nhận định: Tuyến đường dành cho xe buýt nhanh tại Hà Nội hiện nay không thể đạt chuẩn về bảo đảm ưu tiên giao thông.
Làn đường từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã phải kéo dài qua nhiều tuyến phố sẽ gây cản trở rất lớn, mất an toàn cho việc lưu thông của các phương tiên khác vượt qua luồng đường ưu tiên này sang phía bên kia.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội từng thừa nhận: “Nếu dành riêng đường cho xe buýt nhanh thì hình ảnh đường ưu tiên có lúc không có xe lưu thông trong khi phần đường còn lại ùn tắc sẽ rất phản cảm”.
Bên cạnh đó, toàn tuyến dài 14,7km có hơn 30 điểm giao cắt, chưa kể những đoạn đường không có dải phân cách (đoạn từ ngã ba Ba La đến bến xe Yên Nghĩa; đường Giảng Võ nhỏ, Giang Văn Minh).
Theo tiêu chuẩn buýt nhanh, tại các nút giao có các phương tiện giao thông hỗn hợp cắt ngang đường xe buýt nhanh, tín hiệu tự động chuyển thành xanh dành riêng cho xe buýt nhanh (cấm các phương tiện khác cắt ngang) mỗi khi BRT đến.
Với điều kiện giao thông hiện nay tại Hà Nội vào giờ cao điểm, các dòng giao thông hỗn hợp sẽ trở nên hỗn loạn sau vài chuyến buýt nhanh vì các luồng tuyến khác phải dừng lại chờ không theo quy luật đèn xanh đèn đỏ thông thường như hiện nay rất dễ gây ùn tắc giao thông.
Dự án xe buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã là một hợp phần trong Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được UBND TP phê duyệt năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới. Theo dự kiến ban đầu, hệ thoogns được đưa vào vận hành sẽ đạt năng lực vận chuyển khoảng 500 triệu/lượt hành khách/năm, tức là khoảng 1,4 triệu lượt hành khách/ngày. |