Hàng loạt hầm đường bộ ở Hà Nội: Chưa sử dụng đã xuống cấp

Thứ Ba, 05/07/2005, 07:33
Tuyến đường Phạm Hùng (vành đai 3) cũng là tuyến đường đầu tiên trên địa bàn Tp. Hà Nội được xây dựng hệ thống hầm dành cho người đi bộ. Hệ thống hầm đi bộ dọc tuyến đường này được khởi công xây dựng từ cuối năm 2002 và cho đến nay, sau hơn 2 năm, con đường đã đưa vào khai thác sử dụng thì hệ thống hầm đi bộ dọc tuyến đường này vẫn đang trong tình trạng khóc dở mếu dở.

Có mặt tại một hầm đi bộ tại khu vực này, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh hàng quán bán rong, chủ yếu là chè chén thuốc lào đang ngồi vạ vật, quây kín miệng hầm. Hầm đường bộ đã biến thành kho chứa hàng ăn, giải khát và các vật dụng bán hàng. Hàng quán, rác rưởi, kim tiêm, vỏ xi lanh sau khi được sử dụng đã được tống xuống miệng hầm.

Chui sâu xuống hầm, chúng tôi không tài nào thở được bởi mùi xú uế, rác rưởi ngùn ngụt bốc lên xộc thẳng vào mũi. Dưới hầm tối om om, lại ngột ngạt thiếu dưỡng khí. Hầm đường bộ nhưng chẳng khác nào cống nước thải khổng lồ, bởi tình trạng ngập nước đọng và rác rưởi nổi lềnh bềnh. Theo những người bán hàng và thường xuyên có mặt ở nơi đây thì ban ngày có người ngồi trông nom còn đỡ, chứ đêm xuống, đây chính là bãi đáp lý tưởng cho bọn nghiện ngập chích choác. Mới hơn 19h, nhưng khi có mặt tại đây, chúng tôi đã chứng kiến cảnh những con nghiện dặt dẹo, bật tường lên xuống miệng hầm để hút chích.

Thế nhưng tình trạng xuống cấp, hư hỏng và đình trệ của những công trình này mới là điều đáng nói. Được biết mỗi hầm đường bộ dài hơn 50m rộng 4m này được đầu tư từ 2,5 đến gần 3 tỷ đồng. Sau hơn hai năm khởi công xây dựng, đến nay hệ thống đường hầm này chỉ mới quan sát bằng mắt thường cũng đã rất thảm hại. Nhà hầm đầu đường Khuất Duy Tiến hiện đang trong tình trạng xiêu vẹo, các trụ cột bong tróc lớp bê tông trơ lõi thép đã hoen gỉ, nước ngập lên tới mép hầm sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. 

Tiếng là nhà hầm thế nhưng tại đây hiện chỉ là những chiếc cột bê tông đúc dở dang, chỉ trơ lại những lớp sắt tua tủa chĩa lên trời. Xung quanh khu vực hầm đất đá, phế thải chen nhau lấp kín lối vào. Tại hầm đi bộ dưới chân cầu vượt Mai Dịch, cửa hầm hiện đang bị một đường ống nước chạy ngang án ngữ. Một công nhân được giao nhiệm vụ trông coi cửa hầm này ngao ngán thở dài: Công trình đang phải ngừng thi công bởi vướng đường ống nước.

Thế nên những công nhân này mới phải ăn dầm nằm dề tại đây trông nom chưa biết ngày nào mới kết thúc. Đối diện phía bên kia đường, cạnh những hàng thịt chó, sắt thép vật liệu xây dựng  nhà hầm đường bộ tại đây cũng xếp ngổn ngang, hoang phế. Hàng loạt cửa kính, đá ốp đèn chiếu sáng, thanh giằng, cây xanh... tại những tuyến đường hầm này đã bị người thiếu ý thức đập phá, tháo dỡ không thương xót. Để đưa vào sử dụng được những chiếc hầm này cũng phải bỏ thêm hàng trăm triệu đồng để lắp đặt, tu sửa lại những phần hỏng hóc, mất mát.
Ai sẽ sử dụng hầm đường bộ?

Cho đến hiện tại, tuyến đường Phạm Hùng đã đưa vào khai thác, thế nhưng hệ thống hầm đường bộ trị giá hơn chục tỷ đồng vẫn đang bị đắp chiếu hoang phí. Với lưu lượng và mật độ giao thông khá lớn trên tuyến đường này, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho khách bộ hành đang bị bỏ ngỏ. Hiện tại khó có ai chắc chắn rằng đến bao giờ thì tuyến đường hầm này đưa vào sử dụng được.

Sáng 28/6, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo đơn vị chủ dự án những công trình này (Ban Quản lý dự án Thăng Long) thế nhưng đã không nhận được sự hợp tác, giải thích rõ ràng về các công trình trên. Một câu hỏi cần phải đặt ra là bao giờ thì những hầm đường bộ này đưa vào sử dụng và sau khi khánh thành, những chiếc hầm đường bộ này liệu có được khách bộ hành lựa chọn để qua đường?

Đức Tuấn
.
.
.