Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận để vận hành

Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:30
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là một động thái khẳng định Hà Nội luôn sẵn sàng đón nhận để vận hành tuyến đường sắt đô thị này. Nhưng thời gian để vận hành thương mại tuyến đường sắt này vẫn còn mông lung…

Quyết định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông là động thái của Hà Nội khẳng định mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. 

Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 29/10/2020, với những quy định cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực liên quan đến dự án như công tác vận hành khai thác; điều hành giao thông vận tải; quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh; chính sách trợ giá; giải quyết sự cố, tai nạn giao thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện chưa thể đưa vào hoạt động.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: “Việc giao rõ trách nhiệm trên nhằm cụ thể hóa 6 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố Trung ương trong công tác quản lý đường sắt đô thị được quy định trong Luật Đường sắt”. Theo đó, 12 sở liên quan và Công an TP Hà Nội, UBND 4 quận (Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông), cùng Metro Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực thành phố, Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội được giao các nhiệm vụ, công việc cụ thể trong quản lý, phục vụ khai thác vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trong đó, Metro Hà Nội được giao tiếp nhận, quản lý, khai thác và vận hành, bảo trì đường sắt đô thị theo quyết định của UBND thành phố. Chủ động xây dựng phương án quản lý, khai thác, kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở GTVT Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra Metro Hà Nội thực hiện quy định về quản lý đường sắt đô thị, đảm bảo an toàn và hiệu quả; tổ chức kết nối hiệu quả đường sắt đô thị với loại hình vận tải khác. Sở Tài chính chủ trì tham mưu, báo cáo UBND thành phố bố trí kinh phí hàng năm (kể cả kinh phí trợ giá) cho công tác quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì đường sắt Cát Linh - Hà Đông; chủ trì thẩm định phương án giá vé, trợ giá.

Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT và UBND các quận liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về an ninh, trật tự và ATGT đường sắt đô thị theo quy định pháp luật; thực hiện công tác phòng, chữa cháy; chủ trì kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về an ninh mạng. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cân đối, bố trí vốn hàng năm trong ngân sách thành phố để phục vụ sửa chữa, bảo trì hệ thống đường sắt đô thị.

Sở Xây dựng chủ trì quản lý đối với công trình xây dựng, hạ tầng đô thị liên quan đến đường sắt đô thị. Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đảm bảo cấp điện cho hệ thống đường sắt đô thị vận hành, khai thác liên tục, thông suốt và có sự thống nhất giữa các bên. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đảm bảo cắt tỉa cây không ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu đường sắt đô thị.

Dù Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận, song phía đại diện tổng thầu, ông Đường Hồng cho biết, hiện chuyên gia Trung Quốc mới sang được 34/150 người, việc thiếu nhân sự đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ nghiệm thu và thanh toán. Những chuyên gia của Trung Quốc đã sang Việt Nam, đang thực hiện công tác hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án. Còn một số chuyên gia khác sẽ sang Việt Nam trong thời gian tiếp theo, sẽ phục vụ công tác đánh giá an toàn hệ thống.

Cùng đó, đại diện Bộ GTVT cho biết, từ Chính phủ đến các bộ, ngành và TP Hà Nội đều cùng vào cuộc và rất rốt ráo, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ những vướng mắc để sớm đưa dự án vào khai thác. Dự án đã cơ bản hoàn thành khối lượng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị tại hiện trường. Câu chuyện là phải chờ các chuyên gia Pháp sang để đánh giá an toàn trong giai đoạn vận hành thử. Còn đưa vào khai thác thương mại phải căn cứ trên kết quả đánh giá.

Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyên gia tư vấn của Công ty Tư vấn ACT (Pháp) chưa thể sang Việt Nam vì dịch bệnh COVID-19. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao để hỗ trợ. Chỉ khi nào vận hành thử toàn hệ thống và kết quả đánh giá an toàn hệ thống mới quyết định được.

Được biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công tháng 10/2011, tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc). Dự án có chiều dài 13km với 12 ga đưa đón khách. Đến nay, dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức do dự án chưa thể nghiệm thu và các đoàn tàu chưa được kiểm định an toàn.

Phạm Huyền
.
.
.