Cao tốc Bắc- Nam và “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng

Thứ Tư, 15/04/2020, 06:49
Ngày 14/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bộ với các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Theo kế hoạch các tỉnh sẽ hoàn thành GPMB vào quý II-2020, tuy nhiên Bộ GTVT cho rằng, nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì có thể “thất hứa” với Thủ tướng về tiến độ dự án.


Chậm giải phóng mặt bằng, chi phí gia tăng

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch, 13 tỉnh có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành GPMB vào quý II-2020. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các địa phương chưa hoàn thành.

Điển hình như tỉnh Khánh Hoà có 2 dự án (Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo) với tổng chiều dài 54,1km, trong đó đã GPMB 8,4km/54,1km mới đạt 15,5%; tỉnh Thanh Hóa có 3 dự án (Mai Sơn – QL45; QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu) với tổng chiều dài 98,7km, trong đó đã GPMB 61km/98,7km đạt 61,8%; tỉnh Ninh Bình có 2 dự án (Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn – QL45) với tổng chiều dài 24,5km, trong đó đã GPMB 11,77km/24,5km  cũng chỉ đạt 48%; tỉnh Nghệ An với 2 dự án (đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt) với tổng chiều dài 88,06km, trong đó GPMB được 63,21km/ 88,06km, đạt 71,8%.
Nhiều địa phương chậm giải phóng mặt bằng khi thực hiện xây dựng cao tốc Bắc-Nam.

Ngay như các tỉnh có 1 dự án đi qua như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến nay cũng chỉ thực hiện được từ 67-93%, chứ chưa tỉnh nào hoàn thành đủ 100% công việc. Không chỉ là GPMB, việc xây dựng khu tái định cư di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao (khoảng 30%) của dự án, song nhiều địa phương còn dở dang.

“Vì vậy, nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong quý II/2020”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định và chia sẻ thêm: Bộ GTVT đã có nhiều văn bản và trực tiếp làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia để thống nhất phối hợp thực hiện công tác di dời các công trình điện phục vụ công tác GPMB, đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện vẫn chậm.

Cũng bởi việc chậm trong khâu GPMB, nên ngoài việc chậm giải ngân, hiện nay ở một số địa phương, kinh phí GPMB thực tế tăng vượt tổng mức của Tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng) trong tổng mức đầu tư được duyệt. Cụ thể, dự án Mai Sơn-  QL45 tăng khoảng 305 tỷ, dự án QL45-Nghi Sơn tăng khoảng 541 tỷ, dự án Nghi Sơn- Diễn Châu tăng khoảng 443 tỷ, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt tăng khoảng 390 tỷ, dự án Cam Lộ- La Sơn tăng khoảng 190 tỷ...

Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Ban QLDA yêu cầu xem xét xử lý vấn đề này, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác GPMB; làm việc trực tiếp với các địa phương tổng hợp báo cáo Bộ số liệu cụ thể vào cuối tháng 4-2020.

Nhiều hệ lụy

Số liệu từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho thấy, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được phân bổ kế hoạch giải ngân 9.595 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, phần vốn để giải ngân cho công tác GPMB là 5.729 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3-2020, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân được 416 tỷ đồng, đạt 4,3%.

Riêng giải ngân cho công tác GPMB là 185,5 tỷ đồng, đạt 3,2%. Ngoài nguyên nhân GPMB chậm thì nguyên nhân nữa chính là khung giá đất năm 2019 và năm 2020 tại các địa phương đã có sự điều chỉnh. Điều này kéo theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng phải được phê duyệt điều chỉnh theo khung giá đất mới. Trong khi sự điều chỉnh này mất không ít thời gian thực hiện dự án.

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương cho rằng, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần xem xét giải quyết vướng mắc liên quan đến việc bồi thường cho các hộ có tài sản, trang trại trên đất nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với các đối tượng có đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có hộ khẩu tại địa phương; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với các đối tượng là cán bộ hưu trí có đất sản xuất nông nghiệp; việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân sử dụng đất sai mục đích; việc một số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án trước nhưng chưa được bồi thường về đất, một số hộ phần đất để ở còn lại bị ảnh hưởng do nằm sát đường, cầu, khó khăn về đi lại; tranh chấp quyền sở hữu, xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất thu hồi, phê duyệt đơn giá bồi thường đất từng địa phương...

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Hội đồng GPMB rà soát xây dựng tiến độ chi tiết triển khai thực hiện hoàn thành các khối lượng GPMB còn lại và kế hoạch giải ngân theo tháng, đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2020; bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước tháng 8-2020.

Đồng thời, rà soát chuẩn xác lại kinh phí GPMB đúng thực tế để Bộ GTVT có cơ sở xử lý, thực hiện các thủ tục theo quy định để điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm, nhằm đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác GPMB. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh: Với các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long cần khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công đối với 82 khu tái định cư còn lại để triển khai thi công, hoàn thành các khu tái định cư trong quý II-2020…

Phạm Huyền
.
.
.