Doanh nghiệp lo lắng trước việc TP HCM cấm xe tải nhẹ vào nội thành

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:09
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Sở GTVT đã tiến hành nghiên cứu việc cấm xe tải nhẹ chạy ban ngày vào một số tuyến đường, khu vực nội thành.

Trong đó sẽ nghiên cứu kỹ việc cấm xe đi ngang và xung quanh 37 điểm thường xuyên ùn tắc. Ông Cường khẳng định, việc xem xét, cấm xe tải lần này sẽ được làm có trọng tâm, trọng điểm, có lựa chọn kỹ lưỡng từng điểm, tuyến đường và khu vực phụ cận để không làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, việc nghiên cứu thời gian cấm xe tải nhẹ chạy vào nội thành ban ngày sẽ không cứng nhắc từ 6 giờ đến sau 20 giờ. Mà tùy tình hình lưu thông thực tế của từng tuyến đường, khu vực, thời gian ban ngày có thể được điều chỉnh linh hoạt, co giãn. Chẳng hạn cấm từ 7 giờ đến sau 20 giờ với khu vực mật độ lưu thông vắng về sáng, đông về chiều, hoặc từ 5 giờ đến 17 giờ với nơi sáng đông, chiều vắng… Dù vậy, thông tin này cũng đã khiến không ít người băn khoăn.

Để ứng phó với việc cấm xe tải lớn và xe tải nhẹ vào nội thành, những năm qua, ông Trần Anh, chủ một DN phân phối hàng tiêu dùng tại thành phố cho biết đã đầu tư một dàn xe bán tải để chở hàng, bởi loại xe này mặc dù có sức chở từ 0,5 - 1,5 tấn như xe tải nhẹ nhưng được lưu thông như xe hơi. Do đó, thông tin Sở GTVT sẽ xem xét cấm cả xe bán tải chạy trên nhiều tuyến đường nội thành vào ban ngày hoặc các khung giờ cao điểm khiến DN lo lắng do chưa thể tìm ra cách khả thi để chở hàng đi bỏ mối; chở ban đêm thì không ổn do các cửa hàng chỉ bán ban ngày, về đêm khóa cửa, chẳng ai nhận hàng.

Chung lo lắng này, hiện nhiều DN cung ứng hàng hóa cho hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… cũng đang hết sức băn khoăn.

Không có bóng dáng xe tải nhẹ, đường nội thành vẫn cứ kẹt xe.

Tại các tuyến đường thường xảy ra kẹt xe nghiêm trọng như đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ…, xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT đã cho cắm biển báo cấm các loại xe trên vào tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng. Mục đích là để ngăn không cho xe chở hàng, xe tải nhẹ đi vào khu vực cầu vượt ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn gây thêm kẹt xe.

Tuy nhiên, kho ngoại quan tạm trữ hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không lại nằm trên đường Trường Sơn, nay chỉ cần cấm xe tải nhẹ chạy trên các tuyến đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, lập tức hướng còn lại để xe tải vận chuyển hàng hóa ra vào kho hàng này sẽ bị chặn. Hoặc với tuyến trọng điểm về ùn tắc là đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái, chỉ cần cấm xe tải ở một số tuyến nối vào đường này, kẹt xe sẽ càng thêm trầm trọng.  

Để kiềm chế ùn tắc trên những tuyến đường chính ở khu vực trung tâm, cách đây 10 năm, TP Hồ Chí Minh đã quyết định cho phép xe tải nhẹ được chạy vào khu vực nội đô ngoài các giờ cao điểm, từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ. Tiếp đó, vào đầu năm nay, hơn 50 biển báo phụ cấm xe tải nhỏ cũng tiếp tục được Sở GTVT cho cắm tại các tuyến cửa ngõ vào nội thành. Tuy vậy, kẹt xe tại nhiều tuyến đường chính ở nội thành những năm qua vẫn không được cải thiện.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố, xảy ra ùn tắc trên nhiều tuyến đường nội thành vào giờ cao điểm còn do lượng xe hơi cá nhân, xe taxi, xe chạy Uber, Grap tăng quá nhanh, lại chủ yếu chiếm dụng mặt đường do thiếu bãi đỗ. Đồng thời tình trạng đường nhỏ, xe buýt lớn chưa được khắc phục. nhiều tuyến xe buýt trùng nhau trên đoạn đường dài khiến xe buýt nối đuôi nhau trên đường, ra vào trạm thường xuyên gây ùn ứ chứ không chỉ có xe tải và xe máy cá nhân.

Do đó, việc cấm xe tải nhẹ cần tính toán cẩn trọng với từng tuyến đường, từng thời điểm để tránh gây ảnh hưởng đến phân phối, tiêu dùng của thành phố. Nhất là khi Sở GTVT đã có hệ thống camera quan sát, kiểm soát phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến trọng điểm như hiện nay.

Đ.Thắng
.
.
.