Đầu tư BOT: Bài học để phát triển

Thứ Ba, 05/03/2019, 08:09
Với sự chỉ đạo từ Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của Công an nhiều địa phương đã giúp cho tình hình tại các trạm BOT ổn định, song về lâu dài, cần phải có hệ thống giải pháp mang tính chiến lược cho dự án BOT.


Kỳ 1: BOT- Nhìn từ các cung đường giao thông huyết mạch

 BOT - một chủ trương, chính sách đúng đắn, một giải pháp hữu ích giúp cả người dân và doanh nghiệp cũng như nhà nước có thêm hàng nghìn km đường đi thuận lợi, an toàn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng gần đây, các trạm BOT liên tục gặp phải sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp. 

Với sự chỉ đạo từ Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của Công an nhiều địa phương đã giúp cho tình hình tại các trạm BOT ổn định, song về lâu dài, cần phải có hệ thống giải pháp mang tính chiến lược cho dự án BOT. Báo CAND xin trở lại vấn đề này để cùng hiến kế giải pháp giúp cho các dự án BOT phát huy hiệu quả thực sự, hợp lòng dân.

Trong số 107 trạm BOT giao thông trên cả nước, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương được xem là những đầu mối giao thông quan trọng ở khu vực phía Bắc với nhiều dự án giao thông BOT. Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đã trở lại các trạm BOT này để xem BOT đã thay đổi hạ tầng giao thông và đời sống địa phương như thế nào…

Gỡ nút thắt hạ tầng giao thông

Trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh) ngày cuối tuần lưu lượng phương tiện qua lại tăng cao hơn. Tất cả các phương tiện được sự hướng dẫn của nhân viên xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt lấy vé đi qua. 

Ông Vũ Văn Điệp, Trưởng Trạm cho PV Báo CAND biết, lượng phương tiện qua cầu Bạch Đằng ngày càng tăng, nhất là vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ, nhiều nơi đổ dồn về Hạ Long thăm quan, du lịch. Tuy nhiên từ khi đưa công trình vào khai thác, Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên điều hành tại trạm, bố trí lực lượng hướng dẫn phương tiện, phân làn giao thông. Vì thế công tác điều hành khá thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ, chờ đợi, giao thông được đảm bảo thông suốt, an toàn…

Anh Vũ Văn Thành, ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho biết, anh thường xuyên có công việc phải về Hà Nội. Nếu như trước đây để vượt qua quãng đường hơn 150km phải mất 3 – 4 tiếng hồ, thì bây giờ, khi có đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì thời gian anh về Hà Nội rút ngắn bằng một nửa. Điều đó làm anh có thêm động lực để về Hà Nội kết nối công việc làm ăn nhiều hơn.

Có thể thấy, với tiềm năng, thế mạnh vượt trội về nhiều mặt so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhiều năm trước đây Quảng Ninh chưa thể bứt phá được bởi bị “nghẽn” ở một số lĩnh vực, trong đó có giao thông. 

Tuyến đường huyết mạch mà gần như là độc đạo kết nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc là Quốc lộ 18, dù nhiều lần nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Không thể cứ trông đợi vào vốn Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng cao tốc. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên được Chính phủ cho phép địa phương tự chủ nguồn vốn đầu tư. Dự án đã góp phần hoàn thiện hơn hạ tầng giao thông cho địa phương, đồng thời giảm tải lưu lượng cho 2 quốc lộ 18 và quốc lộ 10, rút ngắn thời gian đi từ thành phố Hạ Long đến Hải Phòng và Hà Nội.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đầu tư theo hình thức BOT đã mang lại nhiều tiện ích. Ảnh minh họa: CTV.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm, còn có nhiều công trình hạ tầng giao thông khác trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư theo hình thức BOT trị giá hàng nghìn tỷ đồng khác như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Hạ Long - Cẩm Phả, hay dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng hành khách quốc tế Hòn Gai… 

Theo đó, sau khi đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu có thể khởi công dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ngay trong quý I năm nay. Tuyến đường này hoàn thành sẽ đưa tổng chiều dài cao tốc của tỉnh Quảng Ninh đạt 200km, chiếm 1/10 chiều dài cao tốc của cả nước.

Chính thức thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đã và đang mang lại những tiện ích rõ rệt cho các phương tiện tham gia giao thông trên trục Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng. Bởi trước đó quốc lộ 5, tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò chính trong việc giải quyết hàng hóa qua cảng biển khu vực Hải Phòng đang hàng ngày gánh trên mình hơn 2 vạn lượt xe, gấp 2,5 - 3 lần công suất thiết kế. 

Đặc biệt, các đoạn đường kéo dài qua nội thành Hải Phòng phải gánh gần 80% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống cảng biển. Hệ lụy không chỉ thiệt hại về kinh tế, bao gồm tiền nâng cấp sửa chữa, mà còn lãng phí xã hội do ùn tắc giao thông trên tuyến dẫn đến chậm trễ việc lưu thông hàng hóa…

Mới đây nhất, dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 10 qua địa bàn TP Hải Phòng, dài gần 40km với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác. Trước đây con đường này rất nhỏ hẹp này hàng ngày lại phải “oằn mình” cõng một lượng lớn xe qua lại. Tình trạng trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của tuyến đường này vì thế cũng tăng lên, gây bức xúc cho người dân…

Trong khi nhiều tuyến đường BOT mở ra đã tạo đà cho địa phương phát triển, được người dân ủng hộ thì vẫn còn có những bất cập trong việc đặt Trạm thu phí. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng cho biết, vị trí đặt Trạm thu phí số 2 quốc lộ 5 hiện không phù hợp. 

Nhiều người dân địa phương ở cách Trạm mấy trăm mét, hàng ngày phải đi làm hoặc giải quyết công việc khác qua Trạm đến 4, 5 lần nhưng vẫn phải trả phí đầy đủ. Vấn đề này chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến đơn vị thu phí, sau đó là các cấp có thẩm quyền, từ huyện đến thành phố, rồi Trung ương, thậm chí gửi cả đến Quốc hội; hoặc là di chuyển Trạm thu phí về phía trên, đoạn giáp ranh với tỉnh Hải Dương, hoặc là có cơ chế giảm phí cho người dân địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Kết nối các khu vực kinh tế

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tiếp đến là Hạ Long – Vân Đồn, sau đó là Vân Đồn – Móng Cái, khi hoàn thiện không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện có, mà còn góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội lớn cho toàn khu vực. 

Tuyến cao tốc này cũng sẽ góp phần tăng thêm giá trị cho TP Hạ Long, khi kết nối vào cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với điểm đến là Vân Đồn, nơi có một sân bay quốc tế vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến thời điểm này, từ Hà Nội có thể chạy thẳng tới Vân Đồn trên những tuyến cao tốc hiện đại và tương lai không xa là tới tận địa đầu Tổ quốc là TP Móng Cái.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, dọc hai bên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, ngay từ thời điểm khởi công, nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm về và đã hình thành nên những KCN, khu kinh tế lớn, thành phố thông minh… của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Trong đó, có KCN Nam Tiền Phong rộng 487ha của liên danh các nhà đầu tư quốc tế, với hệ thống cảng dịch biển hiện đại đang được xây dựng. Gần đây nhất, Tập đoàn AMATA, Thái Lan quyết định đầu tư 155 triệu USD vào KCN Sông Khoai rộng 714ha, cùng trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Hay các tập đoàn lớn khác như Vingroup, Sungroup… cũng đã kế hoạch cho riêng mình.

Từ Hà Nội bây giờ có thể chạy thẳng tới Vân Đồn trên cao tốc hiện đại.

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền cho biết, hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh đến nay tương đối hoàn thiện, có tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành phía Bắc, đặc biệt là có thêm sân bay quốc tế Vân Đồn nên du lịch đến các địa phương như Hạ Long và Vân Đồn sẽ có bước đột phá lớn. 

Chỉ riêng ở Vân Đồn đã có hàng loạt nhà đầu tư đã khởi động các “siêu dự án” du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, trong đó riêng Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền cùng đối tác đang xúc tiến dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn gồm 9 phân khu chức năng với tổng vốn đầu tư dự kiến 5 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng khẳng định, đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt hơn là trục đường giao thông quan trọng, hiện đại kết nối Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc. 

Đầu tư Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như khu vực cảng biển nước sâu Lạch Huyện, Đình Vũ, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và các quần thể du dịch Cát Bà, Đồ Sơn, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực phát triển...

Theo ông Lương Thanh Sắc, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, điểm khó khăn của kinh tế các địa phương nằm dọc trên quốc lộ 10, trong đó có xã Đại Thắng, nhiều năm nay là vấn đề hạ tầng giao thông. Tuyến đường đã được mở rộng giúp lưu thông hàng hóa tốt hơn sẽ tạo ra trục phát triển mới cho địa phương. 

Cũng theo ông Sắc, trước hết, tuyến đường sẽ đóng góp ngay vào tăng trưởng thông thương hàng hoá cho địa phương. Sau đó là các khu công nghiệp sẽ được mở ra, từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho địa phương, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho bà con.

Kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT trên cả nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước. 

Báo Thanh niên điện tử ra ngày 13-2-2019 có bài phản ánh về việc "Không kiểm soát được thu phí BOT"; đồng thời, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến một số bộ, cơ quan về việc tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh tại bài báo nêu trên; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 27-2-2018; đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

PV

V.Huy – Văn Thịnh
.
.
.