Đấu giá máy bay Boeing bỏ rơi 10 năm tại Nội Bài

Thứ Sáu, 10/02/2017, 09:08
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay B727 - 200 bị bỏ tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài.

Đầu tháng 5-2007, máy bay Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Sau đó, CHK quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển máy bay cũng như không có liên hệ nào.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó đã có thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác máy bay (AOC) của hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) đã bị thu hồi và máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể xử lý máy bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Vào năm 2014, Cục Hàng không Việt Nam đã tính đến phương án bán đấu giá chiếc máy bay này. Năm đó, đại diện Cục Hàng không từng chia sẻ, nếu số tiền thu được sau đấu giá sẽ phải trừ đi các chi phí làm thủ tục (như phí định giá tài sản, phí tổ chức đấu giá...) và khoản tiền 605.800 USD (tương ứng hơn 12 tỷ đồng) lưu sân đỗ trong suốt 7 năm qua (tính đến năm 2014) tại Nội Bài.

Như vậy, trong trường hợp máy bay còn có thể sử dụng tốt, số tiền mà bên thanh lý máy bay có thể nhận được dao động từ 200.000 USD đến 1,6 triệu USD, xét theo thời giá thị trường, đã trừ đi các chi phí liên quan. Tuy nhiên, việc thanh lý, đấu giá máy bay là hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên chưa thể quyết định đấu giá nguyên chiếc toàn bộ tài sản hay đấu giá từng phần theo giá trị phụ tùng máy bay.

Sau một vài năm giải quyết vấn đề thủ tục pháp lý, vào tháng 6-2016, Tổ đánh giá tình trạng kỹ thuật máy bay B727-200 bị bỏ tại Nội Bài do Cục Hàng không Việt Nam thành lập đã kết luận máy bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng; Máy bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng.
Máy bay Boeing B727 bị bỏ rơi ở Nội Bài.

Trao đổi bên lề, một cán bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho hay, thực chất máy bay này “chỉ có thể dùng được cái vỏ, trưng bày chứ không thể khắc phục”.

Hiện chiếc máy bay nói trên của RKA đã được giao cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài quản lý. Ban đầu, máy bay được đỗ nhờ tại khu đất quân sự.

Sau một thời gian không còn được đỗ nhờ, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã phải tính các phương án kéo máy bay vào khu khai thác thương mại hoặc xưởng của Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) và cuối cùng, chiếc Boeing 727-223 được kéo về vị trí cuối đường lăn S1 để bảo đảm an toàn.

Về kế hoạch bán đấu giá máy bay Boeing 727-223, nhiều ý kiến cho biết khả năng có người mua là rất thấp. Vì chiếc máy bay này chỉ có thể dùng được cái vỏ, khó có khả năng khôi phục để đưa vào phục vụ công tác huấn luyện. Nếu có người mua, khả năng chỉ có thể là mua sắt vụn hoặc tận dụng mở quán cà phê như đã có ở TP Hồ Chí Minh.

B727 từng là một trong những dòng máy bay thương mại thành công của Boeing, nhưng ngừng sản xuất từ khá lâu. Vào những năm đầu ra mắt (1965-1967), một chiếc Boeing 727-200 có giá khoảng 4,2 triệu USD, nhưng đến năm 1982, mỗi chiếc loại này được bán ở mức giá tới 22 triệu USD.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các hãng hàng không hiện không còn khai thác dòng máy bay này cho mục đích thương mại, nên khả năng mua để thay thế phụ tùng cũng không nhiều.

Trên một số trang web mua bán máy bay thanh lý những mẫu B727-200 tương tự thường có mức giá từ 850.000 USD đến 2,2 triệu USD (tương đương 17,8 đến 46 tỷ đồng), nhưng phải được bảo quản tốt và còn khả năng hoạt động.

Thông thường, máy bay có số giờ sử dụng dưới 30.000 giờ, được sản xuất trước năm 1980 sẽ có giá khá cao, nhưng nhiều chiếc khác chỉ có giá dưới 1 triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng).

Phạm Huyền
.
.
.