Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào trung tâm:

Có nên áp dụng khi giao thông công cộng còn yếu và thiếu?

Thứ Năm, 13/09/2018, 07:22
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là việc Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc. Lý do Hà Nội đưa ra là nhằm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế mức tập trung khí thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đề án này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.


UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3977 đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho thành phố thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Theo đó, Hà Nội đang lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thành phố cho rằng, việc thu phí là giải pháp kinh tế nhằm quản lý phương tiện, giảm mật độ giao thông tại một số khu vực; qua đó giảm ùn tắc và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Mức thu phí được xác định trênnguyên tắc bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông. Tuy nhiên, việc lập đề án trên đang có vướng mắc do trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 không có tên loại phí Hà Nội định thu.

Vì vậy, thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” vào danh mục kèm theo của Luật Phí và Lệ phí năm 2015. Cũng trong văn bản trên, Hà Nội đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào trung tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc.

Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông của Hà Nội được Hội đồng nhân dân thông qua tại kỳ họp tháng 7-2017, trong đó thành phố đưa ra lộ trình cấm xe máy hoạt động trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp khác nhằm quản lý phương tiện, giảm ô nhiễm, ùn tắc như: cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...

Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, trên 600.000 ôtô, 7.000 xe đạp điện. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy thì đến năm 2020 thành phố sẽ có trên 800.000 ôtô; hơn 6 triệu xe máy và đến năm 2030 số ôtô sẽ lên đến gần 2 triệu, xe máy khoảng 7.500 xe.

Không phải hiện nay mà ngay từ năm 2012, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố. TP Hồ Chí Minh cũng đã từng lấy ý kiến về về đề án này. Hầu hết các ý kiến cho rằng cần thận trọng khi xây dựng và triển khai đề án.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, chuyên gia giao thông đô thị cho biết, để triển khai được đề án thu phí phương tiện vào trung tâm đòi hỏi hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích, ở một số nước trên thế giới đã áp dụng việc thu phí dành cho phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố theo nhiều phương thức khác nhau.

Tuy nhiên, ở các nước này, phương tiện giao thông công cộng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của người dân, thường là từ 80% trở nên. Còn tại Thủ đô Hà Nội thì phương tiện công cộng mới đáp ứng được từ 8-10% nhu cầu đi lại của người dân. Hệ thống tàu điện ngầm chưa đi vào hoạt động. Chính vì vậy không thể máy móc áp dụng như một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ do khói từ các phương tiện mà còn do nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm lượng cây xanh so với trước. Cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa, đô thị mọc lên. TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, lãnh đạo Hà Nội cần có tâm và tầm nhìn trong vấn đề giao thông đô thị. Các phương tiện giao thông cá nhân đã phải “cõng” quá nhiều loại phí nay lại phải thêm phí đi vào trung tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc. Như vậy, trong khi phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo, hạ tầng giao thông vẫn còn yếu kém thì Hà Nội nên xem xét một cách cẩn trọng đề án thu phí phương tiện vào trung tâm.

Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh nên tập trung đầu tư xây dựng gấp các tuyến tàu điện ngầm, nâng cấp gấp cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố… Đồng thời tìm giải pháp quy hoạch, giãn dân khu vực nội đô, tăng quỹ đất dành cho giao thông… Đây là cách duy nhất để hạn chế tận gốc vấn nạn ùn tắc giao thông.

Mai Hương
.
.
.