Hà Nội di chuyển và chặt hạ 1.159 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

Thứ Năm, 19/10/2017, 07:34
Ngày 18-10, Hà Nội bắt đầu ra quân chặt hạ và di dời 1.159 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng phục vụ dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long. 


Ngay từ sáng, tuyến đường vốn dày đặc lưu lượng xe đã ùn ứ giao thông khi công nhân bắt đầu cắt tỉa và chặt hạ cây. Đến nay vẫn chưa xác định được có bao nhiêu cây trong diện di chuyển và bao nhiêu cây chặt hạ.

Hơn 9h sáng, tuyến đường Phạm Văn Đồng bị dồn ứ bởi lượng phương tiện, các công nhân của Công ty cổ phần Beepro – đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chuyển, chặt hạ cây xanh bắt đầu chặt hạ cây xà cừ đầu tiên.

Theo quan sát của chúng tôi, việc chặt hạ cây diễn ra tương đối khó khăn vì đây là giờ cho phép xe tải lưu thông nên đã ảnh hưởng đến TTATGT. Cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là cây trên vỉa hè trồng rất dày, có cây cách nhau 2m, bên dưới vướng nhiều công trình ngầm nổi và nằm sát mép đường cũ nên rất khó khăn cho công tác đào bầu để đánh chuyển và vì khó giữ được bộ rễ.

Công nhân chặt hạ cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: “Quá trình di chuyển và chặt hạ là hết sức khó khăn bởi lẽ đây là tuyến đường hẹp, lưu lượng phương tiện giao thông đông. Có đào hố phải đào 30 – 50m nên sẽ ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân”.

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long là một trong số những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội được ưu tiên đầu tư để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về việc giao thầu khi thực hiện đầu tư xây dựng. Việc sớm hoàn thành tuyến đường và đưa vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần quan trọng nhằm giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Theo dự kiến thì Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng tuyến cầu cạn cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long bằng vốn vay ODA của Nhật Bản khởi công vào tháng 11-2017. Tuy nhiên tiến độ thi công hiện nay bị chậm do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như di chuyển các công trình ngầm nổi, trong đó có cây xanh hiện hữu nằm trên vỉa hè dọc hai bên mặt đường.

Có mặt ở tuyến đường này, chúng tôi thấy với tốc độ chặt hạ như hiện nay, cộng với khó khăn về giao thông thì tiến độ chưa chắc đã kịp. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: “Chặt hạ đợt 1 là 14 cây trên trên đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Mai Dịch và Dịch Vọng Hậu. Đơn vị đánh chuyển, chặt hạ là Công ty cổ phần Beepro – đơn vị có năng lực với nhiều năm kinh nghiệm và đã thực hiện thành công dự án thí điểm di chuyển cây xà cừ trên đường Kim Mã – Voi Phục thì không có nhiều trở ngại.

Sau đợt 1 sẽ tiếp tục đánh chuyển, chặt hạ các đợt tiếp theo. Chúng tôi cố gắng phấn đấu trong 2 tháng phải xong hoàn toàn việc đánh chuyển và chặt hạ để tháng 12-2017 bàn giao mặt bằng cho Bộ GTVT thi công cầu cạn cao tốc trên cao”.

Người dân Hà Nội quan tâm nhất hiện nay là trong 1.159 cây xanh thì cây nào chặt hạ, cây nào di chuyển, chi phí di chuyển một cây xanh là bao nhiêu, việc chăm sóc và tỷ lệ cây sống sót thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí cho việc di chuyển và chăm sóc một cây xanh còn cao hơn cả trồng cây mới, trong khi đó chưa biết cây di chuyển có sống được hay không?

Ông Phạm Hoàng Tuấn thừa nhận chi phí di chuyển và chăm sóc cây xanh cao hơn trồng cây mới và chi phí di chuyển cũng cao hơn nhiều so với phương án chặt hạ. Tuy nhiên, mục tiêu của thành phố là ưu tiên di chuyển. Các cây xanh đánh chuyển sẽ được đưa về nút giao Tả Hồng – Võ Nguyên Giáp và nút giao QL5-Vành đai 3 để trồng và chăm sóc sau đánh chuyển từ 1 đến 3 năm.

Thành phố đã thành lập 1 tổ công tác gồm các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cùng tham gia giám sát việc chặt hạ và di chuyển, căn cứ vào điều kiện cây để quyết định cây đó có chặt hạ hay không. Theo ông Tuấn thì những cây chết, sâu mục, cong queo chắc chắn sẽ phải chặt hạ.

Cây xà cừ có đường kính trên 50m, tuổi đời lâu, khả năng sinh trưởng kém thì việc chăm sóc sẽ rất khó khăn. Ông Tuấn cho biết,  các cơ quan của thành phố vẫn đang tính đơn giá di chuyển nên hiện tại chưa có đơn giá cụ thể.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường sáng 18-10, ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Beepro cho biết, nhiệm vụ của Công ty không những giải phóng mặt bằng mà còn trồng mới, tiếp tục sự sống cho gần 1.000 cây xanh để duy trì cảnh quan môi trường của Thủ đô. Đây là nhiệm vụ nặng nề và nan giải với tiêu chí cứu được càng nhiều cây xanh càng tốt.

Công ty sẽ tiến hành thi công bất kể giờ, kể cả ban đêm. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan. “Mục tiêu Công ty đề ra cố gắng thi công an toàn và nhanh. Kinh phí hoàn thành dự án vẫn đang hoàn thiện bởi không phải cây nào giống cây nào cũng như những phát sinh trong quá trình đánh chuyển” - ông Phạm Khánh Toàn cho biết thêm.

Công nhân chặt hạ cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.
Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.