"Xóa sổ" các bến xe khách liên tỉnh ra ngoài vành đai 3: Có khả thi?

Chủ Nhật, 23/07/2017, 10:29
Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc “xóa sổ” một số bến xe, xây thêm một số bến mới ở xa trung tâm liệu có khả thi?

Theo Đồ án Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Toàn bộ bến xe khách liên tỉnh (XKLT) sẽ được di chuyển và xây dựng mới bên ngoài Vành đai 3.

Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc “xóa sổ” một số bến xe, xây thêm một số bến mới ở xa trung tâm liệu có khả thi?

Trong những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội tăng rất nhanh, bình quân trên 15%/năm với xe máy và 7 - 8%/năm đối với ôtô; tạo nên áp lực rất lớn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Đặc biệt, mạng lưới giao thông tĩnh trong khu vực nội đô còn rất thiếu và chưa được bố trí phù hợp. 

 Mới đây, Sở GTVT đã trình UBND TP Hà Nội Đồ án Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong đó có phương án di dời 4 bến XKLT hiện nay gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm ra ngoài Vành đai 3; xây mới và nâng cấp 7 bến XKLT; 8 bến xe tải và 7 trung tâm tiếp vận trên các trục đường hướng tâm và vành đai giao thông liên vùng.

Dự kiến đến năm 2020, Bến xe Gia Lâm sẽ chuyển đổi thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải công cộng nội đô. Những tuyến XKLT tại đây sẽ điều chuyển về các Bến xe: Cổ Bi, Nội Bài và Bến xe Ngọc Hồi. Bến xe Giáp Bát với diện tích bến 3,65ha hiện có do nằm trong vành đai 3 nên cũng sẽ nằm trong diện chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Các tuyến xe ở đây sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, một số tuyến sẽ về Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Theo đồ án quy hoạch, Bến xe Gia Lâm sẽ được “xoá bỏ” sau năm 2020.

Với bến Nước Ngầm, theo quy hoạch sẽ được cải tạo trong giai đoạn trước mắt, dự kiến sau năm 2025 khi xây dựng mới bến xe phía Nam thì chuyển thành đầu mối giao thông công cộng, quy mô diện tích 1,77ha.

Các tuyến của bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi (các tuyến Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đi theo QL5) và về bến xe phía Nam (các tuyến đi các tỉnh phía Nam).

Riêng với bến Mỹ Đình, quy mô diện tích là 3,5ha, dự kiến sau năm 2025 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và bến xe phía Tây.

Ngoài việc bỏ các bến xe hiện đang nằm trong vành đai 3, Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra phương án quy hoạch lâu dài 7 bến xe mới gồm: Bến xe liên tỉnh phía Bắc-Bến xe Nội Bài; Bến xe khách Đông Anh; Bến xe khách liên tỉnh phía Đông Bắc-bến xe Cổ Bi; Bến xe khách phía Nam nằm giữa QL1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; Bến mới thứ 6 là bến xe khách liên tỉnh phía Tây nằm cạnh nút giao vành đai 4 và đường Đại lộ Thăng Long;

Bến thứ 7 là bến xe khách liên tỉnh Phùng, nằm sát vị trí giao giữa QL32 và đường vành đai IV, giáp tuyến đường sắt đô thị số 4. Ngoài các bến xe khách, quy hoạch cũng đưa ra  8 bến xe tải với tổng diện tích khoảng 99,4ha gồm: Nội Bài, Phù Lỗ, Yên Viên, Trâu Quỳ, Khuyến Lương, Ngũ Hiệp, Hà Đông, Phùng; 7 trung tâm tiếp vận theo Đồ án quy hoạch gồm: Mê Linh, Bắc Hồng, Trung tâm Đông Bắc, Đông, Nam, Tây Nam và Tây sẽ được xây dựng trên cơ sở đảm bảo kết nối luồng tuyến hàng hóa trên các tuyến QL hướng tâm.

Trước quy hoạch trên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chỗ đỗ, gửi xe, điểm trung chuyển xe buýt phục vụ nhu cầu của người dân và vận tải công cộng còn quá thiếu. Nếu di chuyển các bến XKLT hiện nay ra ngoài Vành đai 3, tận dụng quỹ đất đó cho giao thông tĩnh nội đô sẽ là hướng đi chiến lược, bền vững cho Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh: Việc di chuyển bến xe đáng nhẽ phải làm từ lâu rồi vì đó là nguyên nhân của ùn tắc. Trên thực tế, việc xây dựng bến xe mới không quá mất thời gian nhưng phải quyết liệt và đảm bảo tính kết nối giữa các phương tiện công cộng với bến xe.

Để tránh lợi ích nhóm nên xã hội hoá bến xe, mời các doanh nghiệp có khả năng tham gia đấu thầu. Khi các bến xe di chuyển ra xa trung tâm, một bộ phận người dân sẽ bị ảnh hưởng khi từ nhà phải di chuyển xa hơn để đến được bến xe, song vì lợi ích chung thì nên cố gắng và chấp nhận.

Tương tự, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, muốn xoá bến xe cũ, xây mới các bến xe ở ngoài Vành đai 3 thì điều quan trọng là phải đảm bảo tính kết nối. Do đó, việc quy hoạch là một chuyện, song khi đã thực hiện thì phải đưa ra tiến độ cụ thể, rõ ràng.

Còn việc điều chuyển này đương nhiên sẽ có xáo trộn, nhưng làm thế nào để hài hoà lợi ích của mọi người, thì Hà Nội nên tính toán kỹ.

Đặng Nhật
.
.
.